Giá tất cả các loại dầu thực vật thế giới đều bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 do sản lượng hạt hướng dương và dầu cọ toàn cầu sụt giảm. Sang năm 2021, giá năng lượng tăng, nhu cầu nhiên liệu sinh học và nhu cầu dầu thực phẩm trên toàn cầu không ngừng gia tăng trong khi nguồn cung hạt cải dầu ở Canada giảm mạnh. Tất cả những yếu tố này cùng lúc kết hợp đã thúc đẩy giá dầu thực vật tiếp tục tăng.
Với tiêu thụ dầu thực vật toàn cầu dự báo tăng liên tiếp trong hai năm 2020/21 (từ 202,88 triệu tấn năm trước lên 206,32 triệu tấn) và 2021/2022 (lên 212,25 triệu tấn), mặc dù sản lượng dầu thực vật tăng từ 206,32 triệu tấn dự báo lên 212,25 triệu tấn trong vụ 2021/22, song tồn trữ dầu thực vật thế giới vẫn giảm liên tiếp 2 năm, từ 26,4 triệu tấn năm 2019/20 xuống 224,21 triệu tấn năm 2020/21 và giảm tiếp xuống 22,95 triệu tấn năm 2021/22, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Giá dầu đậu tương và dầu cọ xuất khẩu (Nguồn: USDA)

Đáng chú ý, giá dầu đậu tương tại Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu thực vật lớn nhất thế giới, chiếm 20% tiêu thụ toàn cầu – tuần qua đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 10 năm do nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ, đẩy lợi nhuận từ hoạt động nghiền ép đậu tương lên mức cao nhất 6 tháng, bất chấp nhu cầu khô đậu tương nội địa không tăng vì ngành chăn nuôi lợn đang lao đao bởi giá lợn rẻ.
Giá dầu đậu tương hợp đồng tham chiếu trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng 30% kể từ giữa tháng 6 lên 10.278 nhân dân tệ (1.606,09 USD)/tấn vào thứ Năm (21/10), cao nhất kể từ tháng 10 năm 2012.
Các nhà phân tích và thương nhân cho biết đà tăng giá dầu đậu tương ở Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi cả thị trường trong nước và quốc tế. Xu hướng này dự báo sẽ chưa sớm ké thúc bởi sự đan xen giữa nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất và nhu cầu sử dụng.
Nhà phân tích nông nghiệp Teng Hao của Công ty tư vấn hàng hóa Trung Quốc, Mysteel, cho biết: "Thị trường (Trung Quốc) đang kỳ vọng sắp tới một mùa nhu cầu (dầu thực vật) tăng cao điểm do thời tiết lạnh".

Giá dầu đậu tương ở Trung Quốc cao kỷ lục 10 năm (Nguồn: Refinitiv).

Giá nguyên liệu sản xuất dầu đậu tương tại Mỹ - nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ 2 thế giới, chiếm trên 30% xuất khẩu đậu tương toàn cầu – tuần qua đã tăng mạnh nhất trong vòng hai tháng do nhu cầu mạnh từ các nước nhập khẩu để ứng phó với việc giá dầu ăn tăng cao kỷ lục.
Giá dầu cọ thế giới đã tăng liên tiếp 3 tháng, đạt mức cao kỷ lục 10 năm vào tháng 9/2021, chủ yếu do nhu cầu mạnh trong khi lo ngại sản lượng của Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới, bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động. Giá dầu hạt cải cũng ‘nổi loạn’ do nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt triền miên từ nhiều tháng nay, trong bối cảnh nhu cầu từ cả lĩnh vực nhiên liệu sinh học và thực phẩm đều vững, nhất là ở Liên minh Châu Âu.
Giá dầu cọ giao dịch tại Malaysia gần đây cũng tăng cao kỷ lục, và dầu hạt cải giao dịch tại sàn Trịnh Châu cũng đang ở mức cao chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Giá dầu cọ Malaysia đã tăng 37% từ đầu năm đến nay, chỉ trong một tháng qua tăng 11%. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, dầu cọ Malaysia đạt mức cao kỷ lục, 5.208 ringgit/tấn, theo xu hướng chung của thị trường dầu thực vật toàn cầu. Các nhà phân tích dự báo giá dầu cọ có thể tăng nữa trong phạm vi 5.187-5.274 ringgit, sau khi đã phá vỡ vùng kháng cự 5.032-5.048 ringgit/tấn.

Giá dầu cọ tại Malaysia trong 1 năm qua (Nguồn: Tradingeconomics).

Giá dầu thực vật tăng cũng có nguyên nhân đến từ giá dầu mỏ tăng, bởi hai loại dầu có sự cạnh tranh liên quan đến nhiên liệu sinh học (ethanol).
Giá dầu thô gần đây tăng rất mạnh, dầu Brent tuần này đã lập kỷ lục cao nhất kể từ tháng 10/2018, là 86,04 USD, nâng mức tăng giá từ đầu năm đến nay lên 66%, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đạt cao nhất trong vòng 7 năm, là 83,73 USD, kéo dài chuỗi ngày tăng giá lên 9 tuần liên tiếp.
Trái ngược với nhu cầu tăng, sản lượng dầu thực vật diễn ra không suôn sẻ. Trung Quốc đang bước vào mùa đông lạnh – mùa nhu cầu dầu thực phẩm tăng lên cùng với việc đồ ăn được chế biến bằng cách rán, xào để phù hợp với yếu tố thời tiết. Trong khi đó, các nhà máy nghiền ép đậu tương ở các khu vực phía bắc Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa theo chỉ thị của chính phủ để hạn chế sử dụng điện trong bối cảnh nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng điện trên toàn quốc chưa từng có trong lịch sử.
"Tồn trữ dầu đậu tương ở các nhà máy nghiền ép hạt nói chung còn rất ít, và chúng tôi sẽ thiếu hụt (dầu đậu tương) trong nửa cuối năm", một quản lý của một công ty ép dầu có các nhà máy trên khắp Trung Quốc cho biết.
Tồn trữ dầu đậu tương ở nước này tính tới 15/10 là 933.800 tấn, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 14,5% so với một năm trước đó, theo dữ liệu của Mysteel. Những người trong ngành dự báo tình trạng tồn trữ đậu tương của Trung Quốc ở mức thấp sẽ chưa sớm kết thúc.
Bên ngoài Trung Quốc, tại Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, Chính phủ đã hạ thuế nhập khẩu dầu cọ, dầu đậu tương và dầu hướng dương nhằm kiềm chế lạm phát giá thực phẩm. Được biết, hơn 2/3 nhu cầu dầu ăn ở Ấn Độ được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu, và giá mặt hàng này đã tăng quá mạnh trong những tháng qua. Theo đó, thuế nhập khẩu 3 loại dầu này (dầu dạng thô) đã giảm từ 2,5% xuống 0%; thuế nhập khẩu 3 loại dầu dưới dạng tinh luyện cũng được điều chỉnh giảm từ 32,5% xuống 17,5%. Đồng thời, Ấn Độ cũng giảm Thuế Hạ tầng và Phát triển Nông nghiệp (AIDC) – một loại thuế khác – đối với dầu cọ thô nhập khẩu từ 20% xuống 7,5%, dầu đậu tương và dầu hướng dương thô từ 20% xuống 5%. Việc giảm thuế này sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu ăn tăng ở nước này, khiến nhập khẩu dầu thực vật vào thị trường khổng lồ này sẽ tăng lên.
Với những yếu tố cơ bản trên, dự báo thị trường dầu thực vật sẽ chưa sớm hạ nhiệt. Với vị thế của Trung Quốc trên thị trường dầu thực vật thế giới và tầm ảnh hưởng của nhập khẩu dầu thực vật và hạt có dầu của nước này trên thị trường toàn cầu, việc giá dầu thực vật đang quá cao tại Trung Quốc chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới giá mặt hàng này tại thị trường Châu Á.

Nguồn: ndh.vn