Tại miền Bắc tiếp tục giảm nhẹ
Giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đ/kg xuống 94.000 đ/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đ/kg; các tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La phổ biến 93.000 đ/kg; tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình được thu mua trong khoảng 90.000 - 92.000 đ/kg. Nhìn chung, dù giá lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đ/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu điều chỉnh giảm.
Tại miền Trung, Tây Nguyên ổn định
Giá tại các địa phương không thay đổi so với ngày hôm trước, dao động 82.000 - 92.000 đ/kg; Cụ thể, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng có giá tốt nhất khu vực, đạt khoảng 90.000 - 92.000 đ/kg; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận 88.000 đ/kg; tại Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk 82.000 - 83.000 đ/kg.
Tại miền Nam giảm tới 2.000 đ/kg
Tại khu vực, giá lợn hơi bắt đầu giảm trên diện rộng, tại An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ đồng loạt giảm 2.000 đ/kg xuống 88.000 đ/kg, trong khi đó, Bình Phước giá tăng 2.000 đ/kg lên 92.000 đ/kg, đây cũng là mức giá được ghi nhận tại Long An; các địa phương khác, giá không thay đổi so với ngày hôm trước, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Nai dao động 94.000 - 96.000 đ/kg. Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ Hóc Môn đạt 3.940 con, chợ Bình Điền 1.420 con, tình hình buôn bán vẫn ế ẩm.
Theo Vietnambiz.vn, đánh giá về nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng cao gần đây, Bộ NNPTNT cho biết lý do chính là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc xuất bán lợn thịt yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, người chăn nuôi xuất chuồng với khối lượng lớn hơn 120-140 kg/con, đồng thời các cơ sở chăn nuôi lớn không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi.
Ba kịch bản tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi
Theo danviet.vn, tại hội nghị “Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi” do Bộ NNPTNT tổ chức, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, doanh nghiệp là “hạt nhân” dẫn dắt trong tái đàn chăn nuôi an toàn. Bộ trưởng cũng yêu cầu, hiện nay nguồn lợn thương phẩm ở khu vực này hiện rất lớn vì vậy doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia và đưa ra thị trường với giá hợp lý nhất, bởi có như vậy mới bảo vệ được thị trường cùng với người dân về lâu dài. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đưa ra ba kịch bản tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Theo đó:
Kịch bản 1: Các cơ sở được công bố hết dịch và chủ động tái đàn; các trang trại lớn tiếp tục kiểm soát tốt bệnh và thực hiện đúng kế hoạch sản xuất; ... nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý I/2020 và từ quý II/2020, sản lượng thit lợn xuất chuồng sẽ tiếp tục được tăng lên. Riêng 17 doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn và an toàn với tổng đàn nái hiện tại 501.200 con (tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2018) cho phép xuất chuồng 220.000 - 230.000 tấn thịt lợn hơn vào quý I/2020; các quý tiếp theo tương ứng tăng khoảng 40.000 - 65.000 tấn sẽ đáp ứng phần nào sự thiếu hụt nguồn cung cho nhu cầu trong nước.
Kịch bản 2: Các cơ sở được công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi thận trọng khi tháng 12/2019 tình hình dịch được khống chế cơ bản và tái đàn từ quý I/2020; các trang trại lớn tiếp tục kiểm soát tốt và phát triển sản xuất đúng kế hoạch; .... nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý II/2020.
Kịch bản 3: Nếu vì lý do nào đó bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng, việc tái đàn không hiệu quả; các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng, ... nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ có nguy cơ bị khủng hoảng nặng.
Theo baohaiquan.vn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết Tổng cục đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát danh mục hàng dự trự quốc gia, sẽ cân nhắc, tính toán đến phương án đưa thịt lợn vào danh mục hàng dự trự quốc gia, danh mục được quy định cụ thể trong Luật Dự trữ quốc gia năm 2012. Luật quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Nhiên liệu... Trong nhóm hàng lương thực hiện nay mới chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo, chưa có thịt lợn. Mặc dù vậy, Tổng cục Dự dữ Nhà nước sẽ cân nhắc, tính toán đến phương án này.