Tính riêng tháng 3/2024, tổng cộng 63.495 tấn tôm được thông quan vào Mỹ, trị giá 481,8 triệu USD, tăng 8% về khối lượng, giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình là 3,57 USD/pound, giảm 8%, đánh dấu 6 tháng liên tiếp giá tôm NK trung bình giảm so với cùng kỳ.
Về thị trường, Ấn Độ tiếp tục là nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 37% thị phần tôm nhập khẩu. 67.145 tấn tôm Ấn Độ được thông quan trong thời gian này, trị giá 495,3 triệu USD; tăng 7% về khối lượng, giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính riêng tháng 3/2024, Mỹ nhập khẩu 23.312 tấn tôm từ Ấn Độ, trị giá 168,4 triệu USD, tăng 25% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình đạt 3,41 USD/pound, giảm 10% so với tháng 3/2023 và 2% so với tháng 2/2024.
Ecuador vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ với 56.313 tấn, trị giá 378,8 triệu USD được ghi nhận trong quý I/2024; giảm 9% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Con số này giúp Ecuador nắm giữ 31% thị phần tôm nhập khẩu của Mỹ trong 3 tháng đầu năm. Tính riêng tháng 3/2024, xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ tăng vọt với 21.754 tấn, trị giá 148,1 triệu USD, tăng 25% về lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trái ngược với phần lớn các quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ, giá tôm Ecuador có phần “nhỉnh” hơn, với 3,19 USD/pound ghi nhận trong tháng 3, tuy giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 2% so với tháng 2/2024.
Indonesia, nguồn cung tôm lớn thứ ba của Mỹ, tiếp tục giảm khi chỉ có 30.916 tấn tôm được thông quan, trị giá 229,4 triệu USD trong 3 tháng đầu năm, giảm 19% về khối lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Do đó, Indonesia nắm giữ 17% thị phần tôm nhập khẩu của thị trường Mỹ, giảm so với 19% trong năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 3 đạt 3,54 USD/pound, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 3% so với tháng 2/2024.
Việt Nam cũng ghi nhận tăng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay. Giá trung bình đạt 4,8 USD/pound, thấp hơn 7% so với tháng 3/2023 nhưng cao hơn 6% so với mức giá 4,52 USD/pound của tháng 2/2024.
Về sản phẩm tôm NK của Mỹ, tổng NK tôm nước ấm, tính theo mã HS với các sản phẩm tôm thịt bóc vỏ, tôm còn vỏ, tôm hấp và tôm giá trị gia tăng đạt 781.856 tấn năm 2023, giảm so với năm 2021 và 2022, tuy nhiên vẫn trên mức 2019 và 2020. Với các sản phẩm chi tiết, NK tôm thịt, sau khi giảm từ 2021 đến 2022, ổn định trong năm 2023. NK tôm còn vỏ tiếp tục giảm từ 2021 đến 2023. NK tôm hấp và tôm bao bột tăng từ 2021-2022, đã giảm từ 2022-2023. Hai tháng đầu năm 2024, chỉ NK tôm hấp giảm so với cùng kỳ. NK tôm các loại khác ổn định.
Trong khi chờ kết quả sau quá trình điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ một số nguồn cung tôm lớn cho Mỹ (Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam), DN có thể lựa chọn chiến lược tập trung vào sản phẩm chế biến sâu để xuất sang thị trường này vì các mặt hàng có giá trị gia tăng sẽ ít bị ảnh hưởng từ thử thách cung - cầu. Có thể tập trung xuất sang Mỹ những mặt hàng không vướng thuế như tôm tẩm bột, tôm chiên hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt.
Đêm 8/5/2024, DOC đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) và một số bên liên quan đến vụ việc. Các bên liên quan rất hoan nghênh khi DOC đã tổ chức phiên điều trần. Bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Nếu được công nhận quy chế kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ bình đẳng với các nước, các nền kinh tế; sẽ là đối tác lớn của Mỹ, cạnh tranh công bằng với quốc gia khác; được đối xử công bằng trong tất cả vấn đề thương mại. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về vấn đề trên vào tháng 7/2024.
Tính tới 15/4/2024, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 143 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.