Reuters dẫn lời một quan chức của Liên đoàn gạo Myanmar cho biết, nước này sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo trong nước đang tăng cao.
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Myanmar được đánh giá khiến nguồn cung gạo thế giới bị thắt chặt hơn nữa sau các biện pháp hạn chế tương tự của một số quốc gia trên thế giới, gồm Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Myanmar cùng một số nước Đông Nam Á, như Campuchia, đang nổi lên là nguồn cung gạo quan trọng của thế giới sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào 20/7, bên cạnh nguồn cung lớn từ Việt Nam và Thái Lan, vốn đang có sản lượng hạn chế.
Hiện Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với khối lượng xuất khẩu hơn 2 triệu tấn mỗi năm, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Tháng 7, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo thơm hạt dài basmati), làm giảm nguồn cung trên thị trường toàn cầu khoảng 10 triệu tấn, tương đương 20%.
"Việc Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo được đưa ra vào thời điểm nguồn cung đang thắt chặt có thể sẽ gửi tín hiệu tăng giá đến thị trường và làm tăng mối lo ngại của người mua", một đại lý có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) nhận định.
Từ khi Ấn Độ quyết định hạn chế nguồn cung hôm 20/7, giá gạo toàn cầu được chào bán bởi các nhà xuất khẩu hàng đầu bao gồm Thái Lan và Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất trong số các "vựa lúa châu Á" do lo ngại về nguồn cung, một phần do những hạn chế xuất khẩu gần đây của Ấn Độ, trong khi giá gạo Thái Lan cũng áp sát giá gạo Việt Nam.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 650 USD - 660 USD/tấn, so với 660 USD/tấn cách đây một tuần. Giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 630 USD/tấn từ mức 615 USD/tấn lên 620 USD/tấn một tuần trước.
 

Nguồn: VITIC/Vinanet (Theo Reuters)