Thời tiết đang dần trở thành yếu tố tác động trái chiều tới giá đậu tương sau chuỗi tăng mạnh vừa qua
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/12, cả 3 mặt hàng trong nhóm đậu tương tiếp tục đà tăng mạnh kéo dài liên tiếp. Các yếu tố cơ bản rõ ràng đang thiên về yếu tố “bullish” khi nguồn cung đang có đấu hiệu thắt chặt hơn trong năm tới.
Những vấn đề khiến cho giá đậu tương tăng vọt trong giai đoạn giữa năm nay có thể sẽ lặp lại trong quý I/2022. Chuỗi 10 phiên tăng liên tục vào tháng 4 đó cũng có thể lặp lại khi lo ngại về thời tiết ngày càng gia tăng.
Dự báo thời tiết ngắn hạn vẫn còn rủi ro đe dọa khi 7 ngày nữa hầu như mưa vẫn sẽ không xuất hiện tại miền nam Brazil và Argentina, độ ẩm sẽ tiếp tục bị thâm hụt và ảnh hưởng tới năng suất đậu tương.
Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu có những quan điểm trái chiều về triển vọng thời tiết khi mưa có thể sẽ xuất hiện rải rác ở các khu vực bị khô hạn trước đó. Thậm chí, theo Sở giao dịch ngũ cốc Rosaria ở Argentina, các mô hình hạn hán do biểu hiện của hiện tượng thời tiết La Nina sẽ suy yếu và biến mất vào tháng tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá hai mặt hàng cà phê có thể đi cùng chiều trong ngắn hạn bất chấp sự phân hóa giữa các tin tức cơ bản
Giá Arabica kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm mạnh gần 2% về 227 cents/pound. Trong một phiên giao dịch mà phần lớn các thị trường đầu tư đều tăng, giá cà phê vẫn giảm có thể là minh chứng rõ rệt cho việc triển vọng thị trường không mấy khả quan.
Xét về các yếu tố cơ bản, thị trường Robusta cũng đang được hỗ trợ nhiều hơn khi mà mức chênh lệch giữa hai Sở vẫn đang là gần 54% chiết khấu cho giá Robusta. Bên cạnh đó, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và chậm trễ trong thu hoạch sẽ khiến cho giá các hợp đồng Robusta tháng gần tăng giá. Hiện hợp đồng Robusta tháng 1 sắp đáo hạn và sẽ thúc đẩy số lượng giao dịch đối với hợp đồng tháng 3 tăng lên, và có thể hỗ trợ cho giá Robusta.
Hiện mức cước phí tàu biển dù đã giảm so với mức đỉnh của năm nay, nhưng vẫn cao gấp ba lần so với năm ngoái. Chỉ số FBX, một thang đo chi phí vận tải biển vẫn cho thấy các nhà xuất khẩu sẽ phải trả tới gần 10,000 USD cho một container. Các chuyên gia cũng dự đoán, do ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch, mà các cảng biển không có đủ nhân công để đáp ứng nhu cầu, nên các chi phí vận tải có thể tiếp tục tăng trong năm 2022.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá đồng khó có cơ hội vượt mức kháng cự cứng
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá đồng tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên 4.47 USD/pound, mức cao nhất trong vòng một tháng.
Thị trường đồng gặp sức ép lớn trong phiên sáng khi mà tốc độ tăng trưởng trong lợi nhuận sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, tới phiên tối, việc thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch vô cùng thăng hoa, đã thúc đẩy sức mua trên các mặt hàng thể hiện triển vọng của nền kinh tế thế giới bao gồm dầu thô và đồng.
Hiện giá đồng chủ yếu đi theo các tin tức vĩ mô như tình hình tài chính và các tin tức về dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện giá đồng đang tăng rất tốt nhờ vào những cam kết của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong việc tung ra các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù vậy, nhưng trong ngắn hạn, khi các cam kết còn mang quá nhiều tính chất “hứa hẹn”, thì giá đồng khó có thể bứt phá ra khỏi khoảng đi ngang.
Mới đây, Fitch Ratings, gã khổng lồ trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, cho biết ngành bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khi mà mức lợi suất trái phiếu của các công ty bất động sản đang rất cao, phản ánh rằng giá trái phiếu đang chạm đáy.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Tâm lý tích cực chung của thị trường dẫn dắt giá dầu đi lên bất chấp nguy cơ dư cung
Giá cả 2 mặt hàng dầu ngày hôm qua đều lập đỉnh 1 tháng. Cụ thể giá WTI tăng 2.41% lên 75.57 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3.21% lên 78.22 USD/thùng.
Thị trường đi lên nhờ vào tâm lý tích cực chung sau khi các quốc gia lớn như Anh và Pháp không đưa ra thêm nhiều rào cản hạn chế cho kỳ nghỉ lễ trong năm mới. Trong khi đó, về mặt nguồn cung, đã có các dấu hiệu cho thấy sản lượng có thể sẽ tăng lên trong năm tới, đến từ 2 nhân tố tiềm ẩn là Venezuela và Iran.
Với đặc điểm chung là 2 quốc gia đều đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ, cho nên mặc dù vẫn nằm trong nhóm OPEC+ nhưng các số liệu về sản lượng dầu của 2 nước này thường không được chú ý nhiều, do các số liệu thường không mang tính chính thống mà hay dựa vào các ước tính và khó khăn của họ trong việc gia tăng sản lượng.
Dù vậy, với các số liệu gần đây cho thấy sản lượng của 2 nước này đang tăng dần với tốc độ ổn định, khi cả 2 đều đang nhận được sự đầu tư của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV