Giá đậu tương đang bước vào nhịp giảm mới sau chuỗi tăng từ tuần trước
Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/09, đậu tương đang đi ngược lại với xu hướng của 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại là ngô và lúa mì. Giá đậu tương đang tiếp tục đà giảm từ phiên bán tháo của thị trường chung ngày hôm qua. Tuy nhiên, mức giảm vẫn khá nhẹ do giá được hỗ trợ bởi vùng chặn dưới của khoảng đi ngang trước đó.
Các yếu tố cơ bản vẫn đang thiên về tác động “bearish” khi triển vọng nguồn cung ổn định hơn và nhu cầu từ Trung Quốc đang cho thấy quốc gia này đang nhập khẩu ít đậu tương hơn so với năm ngoái. Theo Hãng tin Reuters, lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 9 và tháng 10 sẽ giảm mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu do lượng nhập khẩu đậu tương Mỹ đang rất ít, trong khi Nam Mỹ đã vào mùa gieo trồng vụ mới, không còn nhiều hàng để xuất khẩu. Lũy kế từ tháng 1 - tháng 9, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dự báo đạt 67.2 triệu tấn, chậm hơn mức 68.4 triệu tấn cùng kỳ năm 2020, dù tốc độ nhập khẩu trong nửa đầu năm nay rất nhanh.
Khánh Linh
 
Cả hai mặt hàng cà phê sẽ test lại những mốc kháng cự cứng trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên 28/9, sắc xanh quay trở lại với thị trường cà phê. Giá Arabica dẫn dắt đà tăng với mức đóng cửa cao hơn 2.56% lên 198.6 cents/pound, tương đương mức 4379 USD/tấn. Giá Robusta cũng tăng gần 2% lên 2160 USD/tấn. Khoảng cách giữa hai Sở được duy trì ở mức 50.7% chiết khấu cho giá Robusta.
Những lo lắng về nguồn cung ở Brazil tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá Arabica trong giai đoạn này. Dù dự báo thời tiết liên tục cho thấy khu vực miền Nam ở Brazil sẽ có mưa, tuy nhiên, lượng mưa không xuất hiện nhiều ở khu vực sản xuất cà phê chính là bang Minas Gerais.
Bên cạnh đó, mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên sở ICE US liên tục giảm từ tuần trước và hiện đang ở mức 2.118 triệu bao, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6. Thị trường Robusta cũng được hưởng lợi từ đà tăng của giá Arabica và tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong giai đoạn này đối với thị trường cà phê, nên giá bật tăng trở lại.
Tổng cục thống kê Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê tháng 9 đạt 120,000 tấn, tăng 7.4% so với tháng trước, tuy nhiên lũy kế 9 tháng đầu năm ước tính sẽ giảm 4.2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.2 triệu tấn.
Tiên Phạm
 
Khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu và Trung Quốc có thể khiến giá bạch kim và đồng giảm
Kết thúc phiên 28/9, lực bán dồn dập khiến cho giá các mặt hàng kim loại chìm trong sắc đỏ. Giá bạch kim giảm hơn 2% còn 960 USD/ounce, giá đồng giảm 1% còn 4.25 USD/pound. Đồng USD tăng mạnh đã gây sức ép lên toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung, và thị trường kim loại nói riêng.
Hiện, giá của đồng và bạch kim, vốn là hai kim loại có tính ứng dụng cao trong các hoạt động sản xuất công nghiệp đều đang chịu áp lực bởi triển vọng tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 3 xuống 0% so với quý trước, từ mức dự báo trước đó là 1.3%, đồng thời, cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm từ 5.1% xuống 4.8% cho quý 3 và 4.1% xuống 3.2% cho quý 4. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đối mặt với khủng hoảng điện và có thể khiến các nhà chức trách tiến hành thắt chặt thêm các hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này.
Đối với giá bạch kim, Châu Âu, một trong những khu vực tiêu thụ lớn nhất, đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và đã tiến hành hạn chế các hoạt động luyện kim, sản xuất kim loại. Do đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp như ô tô, xe điện cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tiên Phạm
 
Giá dầu sẽ tiếp tục giảm khi sức ép gia tăng sản lượng dành cho OPEC ngày càng lớn
Giá dầu chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tục do áp lực chốt lời. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá Brent giảm 0.47% xuống 78.35 USD/thùng, giá WTI giảm 0.21% xuống 75.29 USD/thùng.
Giá Brent quay đầu giảm sau khi chạm mức 79.95 USD/thùng, trong khi WTI cũng tiến sát đến kháng cự 76.7 USD/thùng. Việc thiếu hụt các thông tin hỗ trợ làm tăng lực bán chốt lời, đặc biệt là tại thời điểm nhạy cảm khi OPEC+ sẽ họp vào thứ 2 tuần sau. Giá cao có thể khiến các đối tác lẫn các thành viên nội bộ kêu gọi nhóm tăng hạn ngạch sản lượng, như Nigeria.
Thông tin Tổng thống Biden liên lạc với OPEC trong ngày hôm qua một lần nữa khẳng định mức 80 USD/thùng luôn là vùng “nhạy cảm” với chính phủ Mỹ. Giống với người tiền nhiệm, Tổng thống Biden đã liên lạc với OPEC+ ngay khi giá dầu thô đạt đỉnh.
Giá dầu tăng liên tục từ đầu tháng đã đẩy giá xăng bán lẻ tại Mỹ lên gần 3.2 USD/gallon, cao hơn 1 USD/gallon so với năm ngoái. Trong khi hiện tại, các gói trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp COVID-19 đã hết, chi phí đổ xăng và điện cao sẽ tạo ra gánh nặng cho các hộ gia đình và gây ra áp lực ngược với chính phủ, nhất là từ đầu năm Biden đã đề ra một loạt chính sách nhằm ngăn chặn các công ty dầu đá phiến của Mỹ gia tăng sản lượng.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV