Thời gian gần đây trên thị trường cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Do CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác "phê"). Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp.
Thực tế, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất nicotin và một số các chất thơm. Khi chế tạo, các đối tượng đã "thả" thêm chất ma túy nhóm cần sa tổng hợp này vào. Vì chất ma túy này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma túy (từ nguồn mua, giá cả…).
Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu các đối tượng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường để lôi kéo. Khi người dùng đã "bị lệ thuộc", có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn…
Nguy hiểm khôn lường khi hút thuốc lá điện tử bị tẩm chất ma túy
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng… có nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một số chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Mới đây nhất, vụ việc 8 học sinh lớp 3 một trường tiểu học đã phải nhập viện do chơi đùa với thuốc lá điện tử trong giờ nghỉ trưa tại lớp học. Hay trước đó, vụ việc 7 nữ sinh lớp 11 Trường THPT ở Quảng Ninh mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng. Đến khi gần vào tiết 1, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp và được đưa tới Trung tâm Y tế, qua lấy mẫu xét nghiệm đối với 7 nữ sinh đều cho kết quả âm tính với ma túy và các chất kích thích.
Mới đây nhất, ngày 6/12/2022 Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện Nhi trung ương cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử. 
Tăng cường sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Trước những sự việc đáng lo ngại xảy ra ngày càng nhiều vụ ngộ độc ma túy trong thực phẩm và thuốc lá điện tử. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ thông tin báo nêu và có biện pháp xử lý đối với hình thức mua bán ma túy và các sản phẩm có chứa chất ma túy này, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia trước ngày 30/12/2022.
Bộ Y tế, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy, các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để nâng cao nhận thức và ý thức tự phòng ngừa của người dân.
Với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam, hậu quả và tác hại sẽ rất lớn nếu nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử có phun, tẩm chất ma túy mà người dùng không hay biết, dần dần hình thành số đông người sử dụng trái phép chất ma túy khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, nguy hiểm như thuốc lá điếu. Thêm vào đó, hiện thuốc lá điện tử còn bị biến tướng, là cơ hội để các đối tượng tẩm chất ma tuý, gây hệ quả khôn lường cho xã hội.

Nguồn: VITIC tổng hợp