Hiện nay, công tác thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn, đó là khó khăn từ kinh phí tổ chức thực hiện, kinh nghiệm, nguồn nhân lực thực hiện, đến những hạn chế trong nhận thức về tác hại của thuốc lá của người dân, đặc biệt là hạn chế trong nhận thức về pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Dù các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực hưởng ứng đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào cuộc sống, nhưng tính nghiêm minh và chế tài xử lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Mặc dù hầu hết các cấp chính quyền, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống thuốc lá, phân công tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Công tác phối hợp giữa ban, ngành, cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm pháp luật chưa chặt chẽ, đồng bộ, không chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là với quy định cấm hút thuốc tại địa điểm cấm hút. Các bộ ngành ở trung ương chưa thực hiện hoạt động kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá của các cơ quan. Ngoài ra, việc có nhiều người hút xung quanh cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch bỏ thuốc.
Hiện các ngành chức năng cũng đang tích cực vào cuộc để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thực thi nghiêm luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, tiến đến xây dựng môi trường không khói thuốc. Tại nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nội quy không hút thuốc lá được phổ biến trong các cuộc họp cơ quan, đoàn thể... Việc thực thi nghiêm quy định về cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc cũng được đẩy mạnh và đưa vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức.
Ngoài ra, nhiều địa phương cũng tổ chức lễ phát động “Xây dựng môi trường không khói thuốc lá” nhằm mục đích kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhiều trường học trên địa bàn đã tổ chức ký cam kết thực hiện tốt các quy định của luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, quyết tâm xây dựng môi trường không khói thuốc trong trường học.
Tuy nhiên, để đẩy lùi thuốc lá ra khỏi cộng đồng cần phải có quá trình dài và sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của toàn xã hội. Đặc biệt, bằng những hành động cụ thể, mỗi người dân cần tự giác tham gia vào việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Để Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống và khắc phục những khó khăn hiện hữu, bên cạnh việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại cơ quan, Sở Y tế cần ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị trực thuộc để triển khai các quy định về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá theo điều kiện, đặc thù, thực tế của mỗi đơn vị; phổ biến các tài liệu truyền thông về luật phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời tổ chức tuyên truyền thông qua tuyến y tế cơ sở nhằm hướng dẫn người dân về những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người. Sở Y tế cần tổ chức triển khai nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị trực thuộc, cùng với ban chỉ đạo phòng chống thuốc lá tại các đơn vị. Nêu cao vai trò của người đứng đầu tại các đơn vị trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến viêc phòng chống tác hại thuốc lá.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong việc thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, đào tạo tập huấn cho các cán bộ tham gia hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ngoài ngành y tế, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ thanh tra chuyên ngành về phòng chống tác hại thuốc lá của các sở, ban, ngành để nhân rộng và thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, cũng như tạo điều kiện để các sở, ban, ngành chủ động triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại cơ quan, đơn vị.

Nguồn: VITIC tổng hợp