Đã có nhiều tín hiệu tích cực đối với các chính sách, chương trình để tăng tỷ lệ cai thuốc thành công và ngăn ngừa tình trạng người hút mới từ chính phủ các nước trên toàn cầu.
Song song với đó, hướng tiếp cận thứ ba của WHO là giảm tác hại của thuốc lá, nghĩa là nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp, sản phẩm ít gây hại hơn để những người không thể cai thuốc có thêm lựa chọn. Một số tập đoàn toàn cầu bao gồm Bristish American Tobacco (BAT), Philip Morris International (PMI), U.S. Smokeless Tobacco Company LLC (USSTC) đã ứng dụng khoa học công nghệ theo xu hướng này, đưa ra thị trường một số sản phẩm thuốc lá không khói, được công bố đã chứng minh có hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu.
Các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” là một giải pháp mà các nhà sản xuất công bố rằng đã loại bỏ được quá trình đốt cháy, nguyên nhân chính gây ra ung thư và các bệnh thường thấy liên quan đến thuốc lá. Hiện một số tổ chức y tế, một số quốc gia đã công nhận khả năng giảm tác hại của sản phẩm này.
Ở một số quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Canada, thị phần của một số sản phẩm thuốc lá này cũng đang tăng rõ rệt. Về phía nhà sản xuất, PMI cũng công bố sự hiện diện của sản phẩm thuốc lá làm nóng của mình tại số lượng quốc gia ngày càng lớn.
Để được công nhận và cho phép kinh doanh ở các quốc gia vốn có chính sách kiểm soát thuốc lá nghiêm ngặt và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người luôn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan y tế và các tổ chức nghiên cứu, các công ty sở hữu các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” phải chứng minh được khả năng giảm tác hại cũng như việc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá “công nghệ” với hàm lượng chất độc hại ít hơn sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng nói chung.
Thực tế, các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” vẫn mang đến rủi ro, tác hại đối với sức khỏe người dùng nhưng được chứng minh ở mức thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh đối với “đại dịch hút thuốc lá” thì sẽ không có phương pháp tốt nhất mà chỉ lựa chọn phương pháp nào tốt hơn, nhằm giảm tải gánh nặng y tế, kinh tế, sức khỏe trên toàn cầu do hút thuốc lá gây ra.
Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận sự có mặt của những sản phẩm thuốc lá “công nghệ” nói trên nhưng đang trong tình trạng không kiểm soát với đủ loại sản phẩm và chất lượng, tất cả đều là hàng buôn lậu chưa được pháp luật Việt Nam chính thức công nhận.
Dù trong đó có các nguồn hàng chính hãng xách tay, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phổ biến hiện nay là hai dòng sản phẩm thuốc lá làm nóng (có chứa nguyên liệu thuốc lá tự nhiên) và thuốc lá điện tử với cả hai dạng là hệ thống đóng (không thể phối trộn tinh dầu) và hệ thống mở (có thể tự phối trộn các tinh dầu để sử dụng tùy ý). Những sản phẩm này tuy chỉ mua bán theo dạng nhập lậu, xách tay nhưng tính phổ biến đang ngày càng tăng, theo xu thế hội nhập.
Thực tế này cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kiểm soát mọi loại thuốc lá, việc ban hành được khung quản lý sẽ giúp nâng cao vai trò của Việt Nam trong việc chống bình thường hóa hành vi hút thuốc lá mà WHO và Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá FCTC đã đề ra và kêu gọi các quốc gia sớm thực hiện.

Nguồn: VITIC tổng hợp