Lo ngại về sự phổ biến và ảnh hưởng của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, nhiều nước đã có các quy định để quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xác định, thuốc lá điếu đốt cháy là sản phẩm gây hại cao nhất, cần được thay thế dần bởi các sản phẩm giảm tác hại hơn. Do vậy, FDA Hoa Kỳ đã lần lượt cấp phép kinh doanh cho các sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ, giảm phơi nhiễm với các chất gây hại lên cơ thể, bao gồm một sản phẩm thuốc lá làm nóng, một loại thuốc lá điện tử hệ thống đóng và một số sản phẩm thuốc lá sử dụng qua đường uống (oral tobacco) khác. 
Các quốc gia châu Âu như Anh, Thuỵ Điển, Na Uy cũng áp dụng chính sách khuyến khích người hút thuốc lá điếu chuyển sang các sản phẩm ít độc hơn như thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm snus… Các nghiên cứu sau đó đều cho thấy, nhờ sớm đưa các sản phẩm này vào quản lý, tỷ lệ tử vong của nam giới, phụ nữ do thuốc lá đốt cháy giảm đáng kể, đồng thời tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá thế hệ mới lậu cũng rất thấp. Mặc dù các quốc gia này từng bắt đầu quản lý thuốc lá thế hệ mới với kinh nghiệm ít ỏi, nhưng từng bước nâng cao năng lực quản lý, phối hợp giữa việc lắng nghe khoa học và đánh giá khách quan tác động thực tiễn của sản phẩm đối với sức khỏe người dùng, sức khỏe cộng đồng, và cả những tác động ngoại ý (như việc thu hút giới trẻ hoặc người chưa từng hút thuốc)… Đến nay, các quốc gia này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Tại Châu Á như: Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc… đều hợp thức hóa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã qua kiểm nghiệm như một giải pháp giảm tác hại thuốc lá điếu và là công cụ bổ trợ cho chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá toàn diện của quốc gia. Điển hình là trường hợp của Nhật Bản, xếp thuốc lá điện tử có chứa nicotine như một loại dược phẩm, chịu sự quản lý của Bộ Y tế, còn thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá vì chứa nguyên liệu thuốc lá, đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính với những quy định quản lý ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Hiện các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand,... không cấm sản phẩm, vì cấm sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu khó kiểm soát. Thay vào đó, chính phủ các nước này chỉ cấm một số hương liệu tinh dầu, mùi vị gây thu hút giới trẻ và ngăn chặn giới trẻ không được phép tiếp cận sản phẩm bằng nhiều biện pháp, đặc biệt các quy định kinh doanh nghiêm ngặt đối với kênh bán lẻ.
Theo đánh giá mới nhất của Đại học King’s College London do Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh ủy quyền thực hiện, những người hút thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng thuốc lá thế hệ mới sẽ giảm đáng kể “khả năng tiếp xúc với các chất độc hại gây ung thư, bệnh phổi và tim mạch”. Ngoài ra, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, từ 0,6% - 0,7% những người chưa từng hút thuốc lá bắt đầu sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Được biết, kết quả này dựa trên hơn 400 nghiên cứu khoa học đã được công bố trên toàn cầu.
Việt Nam hiện là một trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới. Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc lá mới đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ. Do vậy, để quản lý thuốc lá thế hệ mới, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành liên quan sẽ giúp bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của tội phạm buôn lậu, vừa đáp ứng quy luật cung - cầu, vừa giúp giảm gánh nặng cho xã hội và môi trường sống./.

Nguồn: VITIC tổng hợp