Theo báo cáo bất động sản Quý III/2015 thị trường Hà Nội của CBRE Việt Nam, số căn mở bán khu phía Nam (quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...) chiếm 23% và phía Nam trung tâm thành phố (quận Hai Bà Trưng) chiếm 25%. Trong khi nguồn cung của khu phía Tây là 21%, Tây Nam 10%, Tây Hồ và Đống Đa (21%).


Sở dĩ khu Nam Hà Nội có nguồn cung bất động sản lớn do có sự tham gia của hàng loạt dự án khởi công mới hoặc tái khởi động.

Tiêu biểu trong đó là dự án Times City của Vingroup, hiện tại tập đoàn này đang mở bán khu Park Hill nằm trong khuôn viên của khu đô thị này.

Tỷ lệ căn hộ mở bán tại các khu vực trong Hà Nội (Nguồn: CBRE)

Tiếp đến là các dự án hỗn hợp căn hộ thương mại, trung tâm mua sắm như Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư, New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hoàng Mai) do Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinnaenco, thuộc Vinaconex) làm chủ đầu tư...


Ngoài ra, giai đoạn 2 của khu đô thị Gamuda City (Yên Sở, Hoàng Mai) do Gamuda Land làm chủ đầu tư cũng cung cấp thêm số lượng lớn căn biệt thự và liền kề cho bất động sản phía Nam Hà Nội.

Điểm cộng cho những dự án ở khu Nam Hà Nội là mật độ dân cư hiện hữu chưa cao so với các quận khác như Đống Đa, Cầu Giấy... Khả năng phát triển của thị trường bất động sản phía Nam vẫn còn nhiều cơ hội khi khu vực phía Tây sau nhiều năm tăng trưởng nóng đã có sự chững lại. Các dự án ở khu Nam có mức giá trung bình thấp hơn với khu Tây và khu trung tâm nếu cùng phân khúc. 

Tuy nhiên điểm trừ của những dự án ở khu Nam Hà Nội chính là cơ sở hạ tầng. Hiện tại hệ thống giao thông ở khu vực này có thể đáp ứng được nhu cầu của mật độ dân cư hiện hữu. Nhưng khi dân cư chuyển về các dự án, tình trạng quá tải sẽ xảy ra. Bản thân các chuyên gia của CBRE cũng nhận định, cơ sở hạ tầng giao thông ở đây không thuận tiện bằng khu vực phía Tây hay các khu vực trung tâm.

Phối cảnh dự án The Horizon City 87 Lĩnh Nam

Một thực tế, các dự án ở phía Nam Hà Nội đang được hình thành và chờ đợi cơ sở hạ tầng. Theo khảo sát của Vinanet tại một số sàn giao dịch, khi nhắc đến vấn đề đường vào nhỏ hẹp và thường xuyên ùn tắc ở những con đường dẫn vào nội thành như Kim Ngưu, Minh Khai, Trường Chinh hoặc các đường nội khu như Lĩnh Nam... nhân viên tư vấn đều cho rằng đó là điểm bất cập lớn nhất.


Nhưng các nhân viên tư vấn cho biết thêm, vấn đề giải quyết giao thông đã được chính quyền quan tâm tới và xúc tiến trong tương lai 5 - 10 năm tới. Ví dụ như hệ thống đường sắt đô thị từ Ngọc Hồi - Yên Viên đã được phê duyệt và phân kỳ đầu tư, huy như quy hoạch tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở và dự án đường vành đai 2.

Các sàn giao dịch cũng cho rằng việc hạn chế về giao thông và cơ sở hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà ở khu vực phía Nam thường thấp hơn khu phía Tây và trung tâm, mang lại nhiều lựa chọn cho khách hàng không thoải mái về năng lực tài chính và có mục tiêu để ở thực sự.

Minh Tú