Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG) bất ngờ công bố điều chỉnh chiến lược đối với dự án Waterpoint - Long An sau 10 năm chưa tìm được nhà đầu tư. 

Theo đó, thay vì tham vọng xây dựng một công trình tổng thể xứng tầm như Phú Mỹ Hưng thứ 2 của Việt Nam, Nam Long sẽ chia nhỏ dự án 350 ha này để làm các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư như khu công nghệ cao, khu kho logistics với diện tích từ 50 - 100 ha...

Dự án 10 năm chưa thành hình

Dự án Waterpoint nằm đối diện với Khu phố thương gia Nam Long, tỉnh Long An, ngay cạnh lối mở đầu tiên của tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Diện tích của dự án này lên tới 350 ha, được triển khai từ năm 2005 - 2006 và đến nay mới chỉ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, có sổ đỏ mà chưa có nhà đầu tư.

Phối cảnh dự án Waterpoint (Nguồn: Nam Long)

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang đánh giá, dự án Waterpoint là 1 trong 7 dự án thành phố vệ tinh quy hoạch vùng của TP. Hồ Chí Minh. Xét về mặt chiến lược, dự án sở hữu một tiềm năng phát triển lớn.

Ông Quang gọi dự án này là một "giấc mơ" với tham vọng xây dựng lên 1 khu đô thị xanh phát triển bền vững với sông nước hài hòa, gần với chuẩn mực đô thị quốc tế. Ông coi đó như một Phú Mỹ Hưng thứ 2 của Việt Nam.

Theo dự kiến ban đầu, dự án Waterpoint sẽ có vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, xây dựng một quần thể đô thị trên diện tích 350 ha. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, dự án khó thu hút nhà đầu tư.

Ông Quang lý giải dự án này có diện tích quá lớn, thị trường chưa sẵn sàng đầu tư cũng như khó để tìm kiếm đối tác. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thận trọng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam bởi hiệu quả đầu tư không cao, rủi ro về tiền sử dụng đất, giải phóng dự án...

Do vậy, ông Quang nói sẽ thực hiện phương án chia nhỏ dự án. Bước 1, các công ty tư vấn sẽ tìm kiếm sản phẩm nào nhà đầu tư đang quan tâm trên thị trường. Bước 2, họ tiến hành quy hoạch điều chỉnh, thăm dò nhu cầu nhà đầu tư. Bước tiếp theo, công ty sẽ thông qua để được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong năm nay, công ty đang tiến hành thăm dò nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành nghiên cứu thị trường, tổng hợp danh sách các nhà đầu tư quan tâm. 

Trao đổi bên lề, ông Quang nhấn mạnh việc chuyển đổi chiến lược là bình thường, khi nhận thấy thị trường chưa thể đáp ứng các kỳ vọng của dự án.

 

Tồn kho bất động sản không ngừng tăng

Tại BCTC hợp nhất quý II/2015, NLG ghi nhận khoản tồn kho 1.366 tỷ đồng từ dự án Waterpoint, tăng 23 tỷ đồng so với cuối năm 2014 và bằng 44% tổng giá trị tồn kho. Giá trị tồn kho của riêng dự án Waterpoint hiện cũng đang cao hơn vốn điều lệ của Nam Long, tương đương cao hơn 21,3 tỷ đồng.

Từ năm 2010 đến tháng 6/2015, giá trị tồn kho của riêng dự án này tăng 3,3 lần, trong khi tổng tồn kho tăng 2,2 lần. 

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang lại cho rằng, hàng tồn kho cho dự án Waterpoint được hiểu là “land bank” – quỹ đất sạch để phát triển lâu dài.


Ông Quang khẳng định, dự án Waterpoint không bị ảnh hưởng bởi áp lực tài chính của các khoản vay ngắn hạn. Nam Long sử dụng dòng vốn dài hạn để tích tụ quỹ đất, triển khai các dự án trên sự cân bằng về tài chính, sử dụng nguồn tiền tự có của doanh nghiệp để đầu tư.

Giá trị tồn kho của dự án qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng)


Khổng Chiêm