Cuộc khảo sát của tạp chí Farm Future về dự định trồng trọt của nông dân Mỹ thu hút 985 phản hồi qua email từ các nhà sản xuất tại Mỹ từ ngày 15/07 – 01/08. Kết quả cho thấy nông dân sẽ gia tăng hoạt động trồng đậu tương cho vụ thu hoạch năm 2024. Cụ thể, diện tích trồng đậu tương năm 2024 của quốc gia này được dự báo sẽ đạt 85,402 triệu mẫu, tăng 2,3% so với mức 83,505 triệu mẫu ước tính của USDA cho vụ thu hoạch năm 2023. Với năng suất được dự báo sẽ đạt 52 giạ/mẫu, Farm Future ước tính sản lượng vụ đậu tương có thể đạt 4,390 triệu giạ, cao hơn nhiều so với con số 4,205 triệu giạ trong báo cáo Cung – cầu tháng 8. Như vậy, triển vọng về nguồn cung tại Mỹ lạc quan hơn sẽ gây tác động “bearish” đến giá trong phiên hôm nay.
Đối với nguồn cung tại Nam Mỹ, thị trường xuất khẩu vẫn còn chịu nhiều áp lực cạnh tranh đến từ nhà sản xuất và xuất khẩu lớn như Brazil. Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 7,37 triệu tấn đậu tương trong tháng 08, giảm so với mức 7,58 triệu tấn ước tính tuần trước, nhưng vẫn cao hơn mức 5,05 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Thêm nữa là, các lô hàng khô đậu tương xuất khẩu của Brazil trong tháng 08 được ANEC dự báo ở mức 1,93 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 1,69 triệu tấn của năm 2022. Nhìn chung, Brazil vẫn đang trong xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực từ giờ đến cuối năm. Điều này sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá trên sàn CBOT trong trung hạn.
Giá cà phê có thể tăng khi thị trường còn lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/08, giá hai mặt hàng cà phê cùng có được sự khởi sắc. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng nội tệ của Brazil bị thu hẹp đã phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân nước này, khiến lực mua chiếm ưu thế trên thị trường. Trong khi đó, lũy kế xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm của Việt Nam ước giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, làm gia tăng lo ngại không đủ nguồn cung trên thị trường.
Thị trường vẫn đang đứng trước những lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung cho toàn cầu trong niên vụ hiện tại, dù cho hoạt động xuất khẩu cà phê đang diễn ra tích cực tại Brazil.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE bất ngờ giảm sâu trong phiên hôm qua, là một trong những nhân tố cho thấy nguồn cung còn khá bấp bênh.
Theo báo cáo hàng ngày từ Sở ICE, tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn đang lưu trữ trong các kho của đơn vị này hiện ở mức 500.931 bao loại 60kg, giảm 11.502 bao so với phiên trước đó. Như vậy, lượng cà phê tồn kho hiện tại đã giảm về mức thấp nhất trong hơn 9 tháng. Đáng chú ý, mức giảm mạnh này xuất hiện sau khi dữ liệu tồn kho duy trì được mức giảm yếu đi trong gần 2 tháng trở lại đây nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của Brazil. Điều này phần nào có thể cho thấy, nguồn hàng từ Brazil chưa đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt những chuyến hàng xuất khẩu từ các quốc gia cung ứng lớn khác như Colombia,…
Trong báo cáo mới nhất về cà phê từ ngân hàng Rabobank, cơ quan này hạ dự báo sản lượng cà phê trong niên vụ 2023/24 của Colombia từ 13,6 triệu bao, xuống còn 12,5 triệu bao. Điều chỉnh này kéo theo ước tính tổng lượng cà phê toàn cầu giảm 1,6 triệu bao so với trước đó, về còn 172,6 triệu bao.
Giá kim loại quý có thể giằng co trước các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ
Thị trường kim loại quý chịu nhiều sức ép trong phiên sáng do đồng USD mạnh lên làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Úc hôm thứ Tư cho thấy, lạm phát ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng vào tháng 7. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Úc chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 5,2% của thị trường và giảm từ mức tăng 5,4% trong tháng trước. Lạm phát tại Úc hạ nhiệt là một tín hiệu cho thấy lãi suất có thể sẽ tiếp tục ngừng tăng. Thị trường hiện đang đặt cược 99,5% vào khả năng Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) sẽ ngừng tăng lãi suất tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 9.
Tuy nhiên, nhìn chung, tâm điểm của thị trường hôm nay vẫn đang hướng về các dữ liệu kinh tế và việc làm quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo điều chỉnh tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023, doanh số nhà chờ bán trong tháng 7 và thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP trong tháng 8.
Trước đó, dữ liệu niềm tin tiêu dùng của CB và cơ hội việc làm của JOLTS đều giảm đáng kể so với dự báo, phản ánh đà tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặt khác, giới phân tích đều đang dự đoán rằng dữ liệu doanh số nhà chờ bán và thay đổi việc làm ADP sẽ thấp hơn nhiều so với tháng trước. Nếu dữ liệu thực tế tiêu cực đúng như dự báo, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và thị trường lao động yếu đi, đây sẽ là động lực thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Đồng USD có thể sẽ giảm mạnh ngay sau thời điểm các dữ liệu này được công bố, khiến cho giá của các mặt hàng kim loại quý được hưởng lợi.
Giá dầu có thể vẫn còn động lực tăng sau các thông tin hỗ trợ ngắn hạn
Giá Dầu đã bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trong cuối phiên hôm qua, mặc dù trước đó đã có thời điểm giá phá vỡ vùng hỗ trợ 80 USD/thùng.
Lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với nguồn cung tại vùng vịnh Mexico khi cơn bão Idalia tấn công Florida trong tuần này đã hỗ trợ cho giá dầu. Nguy cơ mất điện có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong ngắn hạn.
Tồn kho dầu thương mại của Mỹ bất ngờ giảm mạnh 11,5 triệu thùng trong tuần trước, theo báo cáo Viện dầu khi Mỹ (API), cao hơn nhiều so với dự báo giảm 3,3 triệu thùng của thị trường. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu tăng lên và lo ngại nguồn cung không đáp ứng được cũng là nguyên nhân hỗ trợ giá.
Đồng USD giảm mạnh sau báo cáo số lượng cơ hội việc làm mới của Mỹ suy yếu. Xu hướng giảm của USD phần nào đó hỗ trợ giá cả hàng hóa phục hồi tăng.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách kích thích để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, những tác động này đã phần nào đó hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc.
Theo đánh giá, các yếu tố trên có thể mang yếu tố tác động ngắn hạn nhưng chưa phải là những thông tin mang tính thay đổi thị trường, bởi trước đó nhiều dự báo cho thấy sức khỏe kinh tế toàn cầu sẽ chững lại. Điều này phần nào thể hiện nhu cầu thực tế giảm xuống và sẽ là yếu tố mang tính chu kỳ, gây sức ép tới giá dầu.