Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất vào hồi tháng 5, giá dầu thực vật đã bất ngờ đảo chiều và giảm mạnh tới gần 30%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng khi họ sẽ không phải bỏ ra một mức giá cao để mua dầu ăn như trước. Liệu giá dầu thực vật còn tiếp tục lao dốc và đâu sẽ là điểm dừng cho lần sụt giảm mạnh này?
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thực vật toàn cầu đã giảm sốc sau đà tăng từ cuối năm ngoái đến nửa đầu năm nay. Trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, giá dầu đậu đã ghi nhận sự sụt giảm gần 30%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Cùng với dầu đậu tương, giá dầu cọ cũng chứng kiến 1 sự “trượt dài” hơn 20% từ vùng đỉnh lịch sử được thiết lập vào đầu tháng 5 và quay trở lại mức 1 năm về trước.

Hiện nay, dầu đậu tương, dầu cọ và dầu hướng dương là 3 mặt hàng dầu thực vật được sử dụng chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Nếu như Nga và Ukraine là 2 cường quốc sản xuất dầu hướng dương lớn nhất trên thế giới thì Malaysia và Indonesia lại thống lĩnh thị trường dầu cọ với 85% sản lượng toàn cầu. Do đó, cũng không quá khó hiểu khi bất kể những chính sách của 2 quốc gia này về dầu cọ đều có ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu thực vật thế giới.
Vì sao giá dầu thực vật lại lao dốc?
Các chính sách bất thường của Indonesia là yếu tố chính lý giải cho những biến động của giá dầu cọ trong vài tháng vừa qua. Sau gần 1 tháng áp dụng lệnh cấm xuất khẩu, Indonesia đã bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu dầu cọ trở lại từ ngày 23/05. Điều này kéo theo đà lao dốc ngay sau đó của nhóm dầu thực vật. Giá trung bình của dầu ăn tại quốc gia này đã giảm từ 19.800 rupiah/lít xuống 17.000 rupiah/lít.

Không chỉ dừng lại ở đây, vòng lặp ảnh hưởng sau đấy cũng xuất hiện, giá giảm mạnh khiến cho Indonesia đang phải tiếp tục nới lỏng các chính sách xuất khẩu. Mới đây, chính phủ cho biết đang xem xét cắt giảm phí xuất khẩu dầu cọ để đẩy mạnh các lô hàng ra nước ngoài. Động thái trên nằm trong những nỗ lực giải phóng các kho chứa dầu đầy ắp kể từ khi nước này ban hành lệnh cấm xuất khẩu vào 28/04 và khuyến khích các nhà máy thu mua trái cọ của nông dân. Hiện tại, Indonesia đang áp dụng mức phí xuất khẩu và thuế xuất khẩu tối đa lần lượt là 200 USD/tấn và 288 USD/tấn.
Nhu cầu nhập khẩu đang được đẩy mạnh trở lại
Trái ngược với thái độ dè chừng trước đó trong quyết định nhập khẩu, từ tháng 6 đến nay, sự lao dốc của của giá dầu thực vật đã giúp giải tỏa được cơn khát nguồn cung ở nhiều quốc gia. Theo Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA), nhập khẩu dầu cọ của nước này trong tháng 5 đã giảm 10% so với tháng 4 trong bối cảnh Indonesia hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng tại quốc gia nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới này đang được đẩy mạnh. Dự báo con số này trong tháng 7 có thể đạt 700.000 – 800.000 tấn, mức cao nhất kể từ 09/2021.

Ngoài ra, tại Ukraine, sự xáo trộn về nguồn cung dầu hướng dương vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết. Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua đã tạo ra tình trạng mua bán hoảng loạn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu thực vật. Cụ thể, có ít nhất hai thùng dầu hướng dương tại một nhà ga ở cảng Mykolaiv - một trong những cảng lớn ở biển Đen của nước này đã bị hư hại nghiêm trọng sau một cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía Nga.
Theo ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam, với việc nhu cầu của thế giới vẫn đang được thúc đẩy và nguồn cung tại Ukraine vẫn chưa hoàn toàn được nới lỏng, giá dầu thực vật sẽ khó có thể quay lại đà giảm mạnh như trước mà sẽ chỉ giằng co đi ngang ở quanh vùng giá này trong vài tháng tới.
Thái Hảo
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV