Theo ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên hiện có hai vùng nhãn được cấp mã vùng sản xuất nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu).

Ông Ngọc cho biết, năm nay sản lượng nhãn của Hưng Yên đạt khoảng 35.000 tấn, cho giá trị thu nhập từ 300 - 400 tỷ đồng. Giá bán nhãn tại vườn khoảng 25.000đ/kg, còn giá bán trên thị trường giao động khoảng 30.000-40.000đ/kg, tùy loại.

Giá nhãn trên thị trường có giá dao động từ 25.000 -30.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Nguyệt

Theo ông Ngọc, hiện Sở đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để hướng dẫn cấp phép vùng sản xuất nhãn của cơ quan Mỹ, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo VietGap, tổ chức xúc tiến để đưa nhãn lồng Hưng Yên đến các siêu thị và thị trường tiềm năng; đặc biệt quan tâm đến thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Úc, hay Mỹ. 

Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng, thị trường Mỹ có những quy định rất khắt khe. Theo đó, các tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất nhãn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ như nghiêm cấm sử dụng các nhóm thuốc Iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim. "Nhãn được cấp mã vùng xuất khẩu nhưng vào Mỹ không hề đơn giản"- Ông Ngọc nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Bắc, Tổ trưởng Tổ sản xuất nhãn Thế Châu cho biết, hiện tại chưa có DN nào về để ký kết xuất khẩu nhãn đi Mỹ. "Bây giờ đã đến ngày thu hoạch rồi nhưng nhiều hộ dân chưa hái vì chờ DN đến thu mua. Chúng tôi đang rất băn khoăn không biết nên thế nào. Nhãn giờ 10% đã chín, khoảng 15 ngày nữa là chín rộ, giá bán vẫn như mọi năm chưa thấy cao hơn” bà Bắc lo lắng. 

Bà Bắc cũng cho biết thêm, sản xuất theo nhãn VietGap phải đầu tư, chi phí tăng lên 20%. "Từ trước đến nay nhãn của vùng này năm nào thương lái về thu mua đông, bán giá cao, nhưng giá đó vẫn không đủ bù một phần chi phí làm theo VietGap."- Bà Bắc thở dài.

Theo Ông Phạm Công Thạch, Phó Giám đốc Công ty cổ phần phân phối Hapro, ngoài những tiêu chí khắt khe của Mỹ, việc xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn do khâu chiếu xạ. Hiện Việt Nam mới có nhà máy chiếu xạ ở khu vực miền Nam. Trong khi đó nhãn chỉ bảo quản được trong vòng 2-3 ngày, nếu vận chuyển đi chiếu xạ xa thì ảnh hưởng đến chất lượng nhãn.

 

Vũ Nguyệt