Sáng ngày 10/9 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Katsuro Nagai, Công sứ Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện nay có khoảng 1500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất song tỷ lệ sản phẩm nội địa mà những công ty Nhật Bản thu mua chỉ đạt 33%. 

Ngoài ra, hầu hết những sản phẩm nội địa này được cung cấp bởi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản còn nhiều hạn chế.

Đồng quan điểm, ông Soichi Yoshimura, Phó Chủ tịch điều hành – Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng cho hay, khó khăn trong việc thu mua nội địa các phụ tùng vẫn còn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. 

Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam là 33% trong năm 2014. Con số này thấp hơn so với tỷ lệ 66% ở Trung Quốc, 55% ở Thái Lan và 43% ở Indonesia.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Kiều Linh

Trong năm 2018, theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, Việt Nam sẽ xóa bỏ 97% các dòng thuế. Việc xóa bỏ thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc thu hút môi trường đầu tư, phát triển thị trường tiêu dùng và tình hình chính trị xã hội ổn định.

Tuy nhiên, ông Soichi Yoshimura cho rằng, ngoài lợi thế trên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất từ các nước láng giềng cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn nhờ việc xóa bỏ thuế quan.

Các công ty Nhật Bản đã nhận ra vấn đề này, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải vượt qua thử thách này theo một cách thích hợp”, ông Soichi Yoshimura nhấn mạnh.

Theo ông Soichi Yoshimura, sự thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đồng thời khuyến khích các nhà cung cấp phụ tùng giá rẻ, chất lượng cao kết nối với nhà sản xuất Nhật Bản là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề trên.

Đánh giá cao nỗ lực của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, trong những năm gần đây ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang cố gắng khắc phục những yếu kém. 

Ngành công nghiệp hỗ trợ góp phần thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh, giá trị gia tăng cao...

Thứ trưởng Vượng khẳng định, triển lãm sẽ là cầu nối hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ phụ tùng, linh kiện trong ngành ô tô, xe máy, điện tử... có cơ hội gặp gỡ, giao dịch, hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài.

"Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản là kỳ triển lãm lớn nhất từ trước đến nay. Triển lãm lần này đã tự phá kỷ lục về một số phương diện, lớn hơn về không gian trưng bày và sự hợp tác giữa các bên tham gia. Thêm vào đó, trọng tâm của chương trình năm nay trở nên rõ ràng hơn với công nghiệp phun ép nhựa và chế tạo khuôn mẫu”.

Năm nay, ban tổ chức đã tập trung những thương hiệu hàng đầu về công nghệ sản xuất để trưng bày tại khu gian hàng “Ngôi sao Công nghệ”. Đây hứa hẹn sẽ là điểm thu hút các nhà công nghiệp quốc tế và Việt Nam tới khám phá những công nghệ mới để có những bước tiến trong sản xuất, linh hội được nhiều kiến thức, ý tưởng mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Có khoảng 57 doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản và 44 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày sản phẩm và công nghệ tại triển lãm.

Triển lãm diễn ra từ ngày 10-12/9 tại Cung hữu nghị Việt Xô 

Ông Duangẹ Yuaikwarmdee, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam. 

 

 

Kiều Linh