Từ lâu, trong các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Thông tư số 47/2014/TT-BCT, Nghị định số 85/2013/ND-CP đã yêu cầu tất cả các website/ứng dụng TMĐT bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu và có nhận thức rõ ràng về việc phải thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương. Vì vậy, khi lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, chủ sở hữu các website, ứng dụng TMĐT này đều lúng túng và thừa nhận chưa nhận thức rõ ràng cần phải tuân thủ quy định này.
Tất cả các website/ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu rõ hơn về những quy định trong việc đăng ký, sáng ngày 13/6/2024, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) phối hợp với Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục TMĐT và Kinh tế số) tổ chức workshop online (miễn phí) với chủ đề: Hướng dẫn thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương.
Tham gia trình bày tại workshop có ông Bùi Việt Anh, hiện đang công tác tại Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử và bà Lê Thị Viêng đến từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Phụ trách thiết kế website. Chia sẻ tại workshop, các diễn giả cung cấp những thông tin cơ bản về website bán hàng TMĐT; Chính sách pháp luật đối với website TMĐT bán hàng; Hướng dẫn các bước làm thủ tục thông báo website TMĐT với Bộ Công Thương trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn).
Theo ông Bùi Việt Anh, doanh nghiệp cần xác định rõ mô hình hoạt động website của mình thuộc diện phải THÔNG BÁO hay ĐĂNG KÝ với Bộ Công Thương để chuẩn bị hồ sơ và thực hiện cho đúng. Đối với các website/ứng dụng TMĐT bán hàng (là website TMĐT thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của chính mình) thì doanh nghiệp phải làm thủ tục THÔNG BÁO. Đối với website cung cấp dịch vụ TMĐT được thiết lập nhằm cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm các loại hình dịch vụ sau: Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Dịch vụ khuyến mại trực tuyến; Dịch vụ đấu giá trực tuyến, thì doanh nghiệp phải làm thủ tục ĐĂNG KÝ.
Ông Bùi Việt Anh thông tin, ngay trang chủ của Cổng thông tin online.gov.vn đã hướng dẫn “Quy trình đăng ký, thông báo website/ ứng dụng TMĐT” rất chi tiết, các doanh nghiệp chỉ cần truy cập và làm theo hướng dẫn trên Cổng thông tin. “Phòng Quản lý hoạt động TMĐT chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất”, ông Bùi Việt Anh nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Việt Anh, các website/ứng dụng TMĐT sau khi hoàn thành thủ tục thông báo/ đăng ký sẽ được cung cấp logo gắn lên website của mình, logo này dẫn tới đường link trên Cổng thông tin online.gov.vn xác nhận website đã đăng ký/ thông báo thành công.
Sau nội dung trình bày hấp dẫn của diễn giả, phần hỏi đáp, thảo luận càng cho thấy sức “nóng” của workshop khi nhận được hơn 30 câu hỏi trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp dành sự quan tâm hỏi về kinh nghiệm để hoàn thiện hồ sơ thông báo website TMĐT; Cách phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận; Các phương thức thanh toán; Cách làm Báo cáo cuối năm của website TMĐT theo yêu cầu của hệ thống online.gov.vn… và những câu hỏi liên quan đến vướng mắc thực tế của doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương.
Nhờ nội dung thiết thực, bổ ích và hấp dẫn, workshop thu hút sự tham gia của gần 200 người, đặc biệt, workshop không chỉ thu hút đối tượng doanh nghiệp, mà nhiều cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương cũng tham gia tìm hiểu nội dung quan trọng này.
Kết thúc workshop, nhiều học viên gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức vì đã được tham dự một workshop thiết thực và ý nghĩa. Bà Lê Thị Viêng – Trung tâm Phát triển TMĐT nhắn nhủ, việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số