Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên   quan hướng dẫn chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi thực hiện các dự án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các Nhà máy nhiệt điện trên cơ sở các cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ Xây dựng xem xét, xây dựng để ban hành hoặc công bố áp dụng đầy đủ các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau. 

Cụ thể như: Vật liệu gia cố nền đất, san lấp, đắp đất, làm đê, kè; làm vật liệu trong xây dựng công nghiệp (công trình cầu cảng, công trình thủy lợi,…), công trình dân dụng (xây trát, chống thấm,...); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp, gạch ốp lát,…).

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đánh giá các ảnh hưởng, tác động đến môi trường trong quá trình xử lý, sử dụng tro xỉ; đề xuất các giải pháp cần thực hiện để các hoạt động xử lý, sử dụng tro xỉ đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát đối với các nhà máy điện có phát thải tro xỉ. Mục đích nhằm đảm bảo các nhà máy thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp liên quan xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn, gửi Bộ Công Thương tổng hợp.

Tro xỉ là một trong số các chất thải rắn sinh ra trong quá trình đốt than trong các nhà máy nhiệt điện và các cơ sở công nghiệp. Tùy thuộc vào nguồn nhiên liệu (than đá, than nâu,…) và công nghệ đốt (lò than phun, lò tầng sôi,…) mà khối lượng và thành phần tro xỉ khác nhau. 

Nếu không có giải pháp xử lý triệt để, ngoài việc cần đến hàng nghìn hecta đất để chôn lấp, tro xỉ than còn là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.


Tại Việt Nam, hiện nay mới chỉ có khoảng 10% lượng tro xỉ thải ra hàng năm được thu gom, sử dụng, còn lại 90% vẫn thực hiện chôn lấp. 

Với nhiều công dụng như trên, tro xỉ nếu không được thu gom, tận dụng sẽ không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn là một hiểm họa đối với môi trường. 

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xử lý, tận dụng tro xỉ trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật cần được quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.

Huyền Thương