Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin Truyền thông, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, lãnh đạo UBND, đại diện các sở, ngành của 63 tỉnh, thành phố, Đại sứ, Tham tán Thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam.
 Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới
 Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Vương Đình Huệ cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước đựơc khởi xướng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO năm 2017, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ hơn với thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đẩy mạnh đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, đồng thời phát huy vai trò tại các Diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực.
“Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” – Phó Thủ tướng khẳng định.
 Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam dưới tác động hội nhập kinh tế giai đoạn 2007 đến nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và thực hiện 16 FTA song phương, đa phương và nhiều bên với 58 đối tác. So với giai đoạn trước khi gia nhập WTO, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ năm 2007 được thực hiện qua các tuyến đa dạng hơn.
 Theo đó, Việt Nam đã cùng với các thành viên WTO khác kết thúc đàm phán Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại vào năm 2013 và bắt đầu thực hiện Hiệp định này từ tháng 2/2017. Trong các năm từ 2008-2015, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thực thi các cam kết ASEAN nghiêm túc nhất với tỷ lệ thực hiện từ 85%-95%. Cùng với các nước ASEAN, chúng ta đã ký kết và thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) với 6 đối tác chủ chốt ở khu vực, và hiện đang cùng các đối tác này đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mạnh dạn, chủ động ký kết các FTA song phương với các đối tác quan trọng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Đáng lưu ý là Việt Nam đã tham gia Hiệp định FTA với tính chất nhiều bên. Nổi bật nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này, 11 thành viên còn lại đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một kết quả quan trọng bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 và có vai trò rất lớn của Việt Nam – Bộ trưởng khẳng định.
 Đặc biệt, năm APEC 2017 đã thành công rực rỡ với vai trò tích cực của chủ nhà Việt Nam, thể hiện một tâm thế chủ động hơn của đất nước trong thúc đẩy hợp tác khu vực, là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương còn nhiều bất ổn.

 

Những con số biết nói
 Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhờ từng bước thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Từ việc phụ thuộc nhiều vào biến động nhanh và mạnh trên thị trường thế giới, lạm phát đã được duy trì ở mức ổn định, hợp lý. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi vững chắc hơn trong những năm gần đây, đi kèm với ít rủi ro về lạm phát và mất cân đối vĩ mô.
 Giai đoạn 2007-2017 chứng kiến nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA có trình độ/yêu cầu đa dạng phù hợp với năng lực của nhiều nhóm doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Dù thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm), song mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) đã tận dụng cơ hội từ các FTA và sự phục hồi kinh tế thế giới để đạt tăng trưởng xuất khẩu tới 21,5%. Kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2017 đã bằng 4 lần so với năm 2007.
 Nhập khẩu hàng hóa đã được định hướng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước. Tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (21,1%/năm). Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ mức 20% trong các năm 2007 - 2008 xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư trong khoảng từ 0,1-1,2% GDP trong các năm 2012-2017. Kết quả này có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (thâm hụt thương mại trung bình khoảng 8% GDP).
Cùng với xu hướng mở rộng thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt độ mở ngày càng lớn. Năm 2016 độ mở thương mại xấp xỉ 171%, cao hơn so với mức trước khủng hoảng tài chính thế giới (157,4% vào năm 2008).
 Về đầu tư, tính đến tháng 11/2017, có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu cũng đều là những đối tác thương mại chủ chốt trong các FTA khu vực, trong đó có Hàn Quốc (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (15,5%), và Singapore (13,2%).
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay và trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại, toàn cầu hoá tiếp tục phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Một mặt, Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao. Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự bùng nổ của các công nghệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số... chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội và thách thức mới đối với các quốc gia trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. “Vấn đề đặt ra là các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải làm gì, phải phối hợp như thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn tới” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau phiên khai mạc, Diễn đàn lần lượt thảo luận theo 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất kiến nghị các giải pháp để Việt Nam hội nhập thành công. Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, Ban tổ chức sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn. Nội dung của Thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi kết thúc Diễn đàn.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử