Thành phần tham dự hội thảo gồm đại diện các cơ quan, ban ngành quản lý liên quan, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa chất, kháng sinh (HC, KS) dùng trong ngành thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản tại Khu vực phái Bắc.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững - Hội nghề cá Việt Nam, chuyên gia VietGAP và An toàn sinh học Dự án CRSD, Chuyên gia Dự án EU-MUTRAP cho biết, đây là thời điểm Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam ngày càng được chấp nhận trên các thị trường nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tiếp cận với nguyên tắc kiểm soát an toàn thực phẩm thông qua nhận diện mối nguy và thực hành kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm ngay tại nơi phát sinh (gọi tắt là chương trình HACCP).
Để sản phẩm thủy sản Việt Nam an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng, cần tập trung kiểm soát mối nguy hóa học, đặc biệt là kiểm soát các loại hóa chất, kháng sinh trong tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất thủy sản nuôi.
Với mục tiêu hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản của Việt Nam chuẩn bị điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực, các chuyên gia của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã thực hiện ba nghiên cứu về Danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm và được phép sử dụng trong sản xuấtthủy sản của Tổ chứcCodex và của EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc; Việc xây dựng và ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong hoạt động nuôi và trong sản phẩm thủy sản của Việt Nam; Quá trình sản xuất, phân phốivà sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ở Việt Nam. Hội thảo nhằm trình bày kết quả của ba nghiên cứu nói trên, thông qua các khảo sát thực tế của chuyên gia tại các tỉnh phía Bắc và Nam Trung Bộ.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Vi Thế Đang - Chuyên gia EU - MUTRAP nhận xét, các nước, tổ chức quốc tế quy định danh mục chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh rất khác nhau như không có chỉ tiêu nào 6 nước/tổ chức cùng quy địnhl chỉ có 0,6% (3/536) chỉ tiêu 5 nước, tổ chức đều quy định. Các nước, tổ chức đều tự ban hành danh mục mức giới hạn các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm chiếm tỷ lệ cao nhất (486/536 chiếm 90%). Điều này cho thấy, việc các nước, tổ chức tự công bố mức giới hạn cho các chỉ tiêu là rất khác nhau và không thống nhất. Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế) chưa có quy định cụ thể để thống nhất chung. Chính vì thế, ông Vi Thế Đang khuyến nghị rằng Codex cần quy định cụ thể và thống nhất khi một nước tự công bố chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đưa vào danh mục cấm/được phép sử dụng nhưng quy định mức giới hạn tối đa cho phép (phải được Codex công nhận hoặc có lộ trình nhất định để các nước phản biện). Đồng thời các nước có quy định khác cần phải có tài liệu, bằng chứng đánh giá nguy cơ và được WHO/FAO công nhận. Phải tuân thủ các quy định về SPS về chỉ tiêu, mức giới hạn cho chỉ tiêu khác với công bố của WHO/FAO. Codex định kỳ đăng tải trên website danh mục hóa chất, kháng sinh cấm/danh mục được phép dử dụng nhưng quy định mức giới hạn tối đa cho phép.
Đối với việc ban hành danh mục HC, KS cấm, ông Đang cho rằng, khi chưa có điều kiện đánh giá nguy cơ đối với HC,KS trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, Việt Nam nên dựa vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm của EU, Mỹ, Nhật Bản để quy định, vì các tổ chức, quốc gia này đã đánh giá nguy cơ và được Codex đăng tải lên website của tổ chức này.
Về việc ban hành danh mục HC, KS yêu cầu có mức dư lượng tối đa, căn cứ vào danh mục quy định mức dư lượng tối đa cho phép của Codex, sau đó đến EU, Mỹ, Nhật Bản (vì đã có đánh giá nguy cơ). Đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất khi muốn đăng ký sản xuất sản phẩm mới, phải có khảo nghiệm và đánh giá nguy cơ để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần thống nhất mức dư lượng nêu trong 2 danh mục: mức dư lượng tối đa cho phép trong thực phẩm (Bộ Y tế ban hành) và mức dư lượng tối đa cho phép trong sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, chế biến (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành).
Ngoài ra, Hội thảo còn có tham luận của đại diện một số đơn vị: Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thuỷ sản vùng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y các tỉnh Nam Trung Bộ về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Nguồn: T.Hằng/taichinhdientu.vn