Đó là một trong những thông điệp được Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh khi khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra sáng 7/12 tại Hạ Long (Quảng Ninh).
Ông Hưng cho biết, 2018 ngành dịch vụ logistics tiếp tục tốc độ tăng trưởng của các năm trước với mức độ tăng khoảng 12-14% nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.
Cơ hội cắt giảm chi phí
Những cơ hội để ngành logistics tiếp đà tăng trưởng cũng được lãnh đạo Bộ đề cập. Như, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hiệu lực từ ngày 22/2/ 2017. Theo dự báo của các nhà kinh tế của WTO, việc triển khai đầy đủ TFA sẽ cắt giảm trung bình 14,3% chi phí thương mại của các quốc gia thành viên, trong đó các nước đang phát triển sẽ được lợi nhiều nhất.
Trong nước thì vào tháng 4 năm nay, Thủ tướng đã nêu một số chỉ tiêu quan trọng cần phấn đấu thực hiện là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistic vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistic đạt 50-60%, chi phí logistics giảm tương đương 16-20%; xếp hạng về chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Hiện nay, các bộ ngành đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cùng với việc đưa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu lên Cơ chế một cửa Quốc gia, việc kiểm tra chuyên ngành cũng được cải tiến theo hướng giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra...
Tất cả những biện pháp này đều góp phần tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí logistics, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cũng thông tin thêm là mới đây nhất, ngày 9/ 11/2018, Thủ tướng đã ký nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có giao Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế Một cửa ASEAN, Cơ chế Một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại chỉ đạo các bộ ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics của Ngân hàng Thế giới (WB) và Chỉ số Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập
Cho biết hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, số doanh nghiệp logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ có trên 360 doanh nghiệp, điều đó cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.
Vì vậy, Thứ trưởng bày tỏ Diễn đàn sẽ mang đến những gợi ý mà các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần lưu tâm hơn nữa nhằm tận dụng tối đa lợi ích quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại.
Thách thức về hạ tầng tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam là vấn đề lớn đầu tiên được ông Hưng nêu.
Theo Thứ trưởng, do chưa nhận thức về việc phát triển ngành logistics thành một ngành dịch vụ cơ bản để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác, một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được.
Điều này sẽ gây không ít khó khăn trong việc đẩy mạnh hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tại Việt Nam.
Vấn đề lớn thứ hai, theo ông Hưng là việc mở rộng thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam.
Trong thời gian tới, cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics là những doanh nghiệp có tiếp xúc nhiều với nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hội nhập và cạnh tranh nên càng phải chủ động, có chiến lược phát triển bài bản để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp cho khách hàng, ông nói.
Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam là vấn đề lớn thứ ba được ông Hưng đề cập.
Vấn đề không kém phần quan trọng thứ tư là cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
Nguồn: Hà Vũ/VnEconomy.vn