Động thái rất mạnh trên cho thấy, Nhà nước sẵn sàng thoái vốn khỏi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Thực tế, sản xuất sữa là một ngành mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, bởi sữa không là mặt hàng nhạy cảm. Chính vì vậy, việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) rút toàn bộ phần vốn Nhà nước ra khỏi Vinamilk có thể được nhìn nhận như một quyết định hợp lý. Thế nhưng, nếu xem SCIC là một doanh nghiệp kinh doanh vốn như hiện nay nó đang thực hiện chức năng này, sẽ rất khó tìm được một lý giải hợp lý cho việc một cổ đông lớn như SCIC rút lui khỏi một doanh nghiệp cỡ tỉ USD đang ăn nên làm ra, một “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk.
Trao đổi xung quanh vấn đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho biết: “Nếu tôi là một nhà đầu tư đơn thuần, chắc chắn tôi sẽ không rút vốn khỏi Vinamilk. Thậm chí, tôi còn muốn mua thêm một phần cổ phiếu của Vinamilk vì đây là một doanh nghiệp ăn nên làm ra, có thương hiệu, uy tín và lợi nhuận cao. Chắc chắn hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Như vậy, không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao SCIC lại thoái vốn khỏi Vinamilk - một quyết định được xem là rất dũng cảm?
“Khi thoái vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk, Nhà nước sẽ thu được hàng chục ngàn tỷ. Việc sử dụng số tiền này có nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó, một phần tiền đáng kể có thể được dùng để tái cơ cấu nợ hiện nay khi quy mô nợ công khá lớn. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch trong xu thế nước ta đang tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, việc sử dụng số tiền trên cũng có thể để thực hiện cơ cấu và tài chính vĩ mô khác” - ông Vũ Đình Ánh nhận định.
Theo VTV