Thuỷ sản đối mặt với “tác động kép”

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2009 giảm gần 7% so với năm 2008, chỉ đạt 4,21 tỷ USD, song có thể coi đây là một năm thắng lợi đối với nghề nuôi cá tra, basa khi vươn lên vị trí số 1 trong ngành xuất khẩu thuỷ sản với kim ngạch ước đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010, thuỷ sản chính là ngành chịu tác động lớn nhất đối với các quy định của WTO, đặc biệt là đối với cá da trơn. Hiện Mỹ và một số nước đang làm rất “căng” đối với mặt hàng cá tra, basa của Việt Nam, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nan giải nhất với ngành thuỷ sản nước ta hiện nay là do hầu hết các ao nuôi cá đều sử dụng nguồn nước từ sông Mêkông, nên các nước thường lấy cớ nước sông này bị ô nhiễm làm “barie” ngăn hàng thuỷ sản của nước ta xuất sang. Một thách thức nữa của ngành thuỷ sản là việc thực thi hiệp định chống đánh bắt trái phép (IUU) của EU.

Gỗ - khả năng mất thị trường nội địa

Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản Việt Nam trong năm 2009 đạt 2,5 tỷ USD, nhưng giá trị nhập khẩu cũng chiếm tới gần 900 triệu USD. Kể từ 1/1/2010, hầu hết các dòng thuế suất đối với sản phẩm gỗ khi nhập khẩu vào nước ta sẽ giảm 0-3%. Như vậy, thực ra chúng ta không lo về thị trường xuất khẩu, mà lo về thị trường nội địa. Sở dĩ xảy ra thực trạng này, theo đánh giá của các chuyên gia là do các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ nước ta có sức cạnh tranh quá thấp, nên một khi thuế suất nhập khẩu đối với gỗ và các sản phẩm của gỗ giảm, giá thành của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ giảm đi, lúc đó nhiều khả năng thị trường nội địa của chúng ta sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.

Thực phẩm – chưa chịu nhiều tác động

Theo thông tư mới đây của Bộ Tài chính, từ 1-1-2010, các mức thuế suất được cắt giảm so với mức thuế hiện hành từ 1-6%, trong đó mức giảm chủ yếu là 2-3% với tổng cộng1.654 dòng thuế phải thực hiện cắt giảm theo cam kết WTO. Riêng đối với các mặt hàng nông nghiệp, kể từ 1-1-2010, các mặt hàng có trong Biểu thuế ưu đãi  nhập khẩu từ Australia, New Zealand, Brunei, Myanmar, Singapore được vận chyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến Việt Nam, thoả mãn quy tắc về xuất xứ hàng hoá theo quy định của Bộ Công Thương, sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi. Cụ thể, thuế suất ưu đãi AANFTA đối với gia cầm nhập khẩu là 5%; thịt trâu, bò tươi, đông lạnh: 10-15%; thịt lợn tươi, đông lạnh: 20-25%; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của trâu, bò: 7-15%; phụ phẩm của gia cầm : 10-20%; cá các loại: 20-30%; sữa các loại: 7-25%; trứng : 7-15%; hoa các loại: 25-35%; thuốc lá 100%....

Theo Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNT, trước mắt các mặt hàng thực phẩm vẫn chưa bị tác động nhiều lần, nhưng chúng ta phải rất chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi có 3 thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2010 là: nhiều nước bắt đầu dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thương mại, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao hơn và tăng cường kiểm dịch động, thực vật theo Hiệp định SPS. Do đó, vấn đề lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên nghiệp hơn, nếu không nông dân sẽ ngày càng cách xa thị trường.

 

 

Nguồn: Internet