Đạo Luật Nông nghiệp là sự kéo dài của một Đạo Luật đã tồn tại hàng thế kỷ, Đạo Luật Lacey, điều chỉnh cả việc vi phạm luật của Hoa Kỳ hoặc Luật nước ngoài đối với việc sử dụng hoặc vận chuyển gỗ và các loại cây trồng. Từ lâu, Đạo Luật Lacey được áp dụng để truy tố những đối tượng kinh doanh động vật hoang dã và cá một cách bất hợp pháp. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã rất mong đợi khả năng áp dụng Đạo Luật này để xử lý các vụ buôn lậu gỗ. Các chế tài của Đạo Luật này bao gồm phạt hành chính dân sự, tịch thu hàng vận chuyển, phạt hình sự hoặc bắt giam. Nếu vi phạm Luật Lacey cũng có thể kết tội buôn lậu hoặc rửa tiền.
Các Luật về gỗ của nước ngoài có thể được cưỡng chế thi hành tại các toà án của Hoa Kỳ.
Luật Lacey mở rộng phạm vi áp dụng các luật và quy định của nước ngoài qua việc coi hoạt động vận chuyển các sản phẩm làm từ gỗ đã chặt đốn, vận chuyển hoặc bán trái phép theo luật của nước ngoài cũng là sự vi phạm luật của Hoa Kỳ. Các chế tài sẽ phụ thuộc vào mức độ mà chủ hàng thực sự biết, hoặc cần phải biết với sự cần thiết rằng đó là những hàng hoá được làm hoặc đã được làm từ cây trồng một cách bất hợp pháp. Điểm mấu chốt để các nhà nhập khẩu tránh hoặc hạn chế tối đa bị phạt là phải cẩn trọng và xem xét kỹ nguồn gỗ đầu vào. Hy vọng rằng những nhà nhập khẩu sẽ nâng cao sự kiểm tra, giám sát đối với các nhà cung cấp của họ.
Những yêu cầu mới về khai nhập khẩu đối với các sản phẩm gỗ
Quốc hội Hoa Kỳ cũng yêu cầu bổ sung thêm trong việc kê khai nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu nắm thông tin chính xác về nguồn hàng. Các nhà nhập khẩu sẽ phải kê khai tên khoa học của bất kỳ loại cây trồng nào sử dụng trong hàng hoá, giá trị nhập khẩu và số lượng cây trồng và tên nước nơi loại cây trồng được sử dụng. Các nhà nhập khẩu cần phải có được những thông tin này từ những nhà cung cấp của mình và những nhà cung cấp cũng cần phải lưu giữ thông tin này một cách thường xuyên.
Chính phủ Hoa Kỳ đã xử lý nghiêm những sản phẩm gỗ khả nghi
Một Cáo trạng mới đây cho thấy khả năng thực thi chống lại hàng nhập khẩu đồ nội thất được làm từ gỗ xẻ bất hợp pháp. Ngày 16/4, theo Đạo Luật bảo vệ sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng và quy chế chống buôn lậu, Ban Hội thẩm Toà án Liên bang tại Newark đã buộc tội một nhà sản xuất đồ nội thất Trung quốc đối với việc nhập khẩu một công ten nơ giường cũi trẻ em được làm từ ramin, một loại cây có nguy cơ bị tuyệt chủng. Công ty này và cá nhân liên quan đối mặt với khả năng phải ngồi tù nhiều năm và bị phạt hàng trăm ngàn đô la.
Các bước tiếp theo
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải ban hành các quy định nhằm thực thi Đạo luật mới này. Những quy định mới này sẽ làm rõ những nội dung yêu cầu kê khai nhập khẩu sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng tới. Thêm nữa, sau khi các nước G8 cam kết cùng hành động chống lại hoạt động buôn lậu gỗ, Chính phủ Mỹ dường như sẽ sử dụng các công cụ của Luật Lacey mới được Quốc hội thông qua nhằm thể hiện nỗ lực thực thi cao.
Dưới đây là Tóm tắt đạo luật nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ (FARM BILL 2008):
I. Thông tin chung về Đạo luật Nông nghiệp:
          - Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ mang số hiệu H.R. 6124 có tên đầy đủ là “Đạo luật quy định về việc tiếp nối các chương trình nông nghiệp và chương trình khác của Bộ Nông nghiệp (Hoa Kỳ) tới năm tài chính 2012, và quy định một số vấn đề khác”; tên ngắn gọn là “Đạo luật về Thức ăn, Bảo tồn, và Năng lượng năm 2008” (Food, Conservation, and Energy Act of 2008).
          - Đạo luật H.R. 6124 đã trải qua một quá trình tranh luận, dự thảo kéo dài gần 2 năm trong Quốc hội và Chính quyền Mỹ, được Quốc hội Mỹ thông qua đầu tháng 6/2008, sau đó bị Tổng thống phủ quyết (vì lý do Đạo luật duy trì những khoản trợ cấp và chi tiêu bất hợp lý), và lại được Quốc hội bỏ phiếu vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống để trở thành Luật công số 110-246 vào ngày 18/6/2008.
          - Đây là một Đạo luật lớn dài gần 700 trang, gồm 15 Chương với hơn 600 Mục. Mỗi Chương quy định về một mảng vấn đề khác nhau, bao gồm: các chương trình hàng hóa, vấn đề dinh dưỡng, nghiên cứu, tín dụng, bảo tồn, thương mại, lâm nghiệp, năng lượng và nhiều vấn đề khác.
          - Do Đạo luật lớn như vậy nên: (1) khi chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chưa áp dụng trên thực tế thì chưa thể lường hết những khía cạnh nào của Đạo luật sẽ có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ; (2) không có một văn bản hướng dẫn đơn nhất cho toàn bộ Đạo luật – thực tế, Đạo luật bao gồm nhiều Mục sửa đổi, bổ sung nhiều Đạo luật nhỏ khác nhau – tùy vấn đề cụ thể sẽ có những cơ quan, Bộ ngành hữu quan của Hoa Kỳ ra văn bản hướng dẫn thực hiện.
          Ngày 22/8/2008 vừa qua, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công bố trang web so sánh Đạo luật Nông nghiệp 2008 với những quy định về nông nghiệp trước đó tại địa chỉ: http://www.ers.usda.gov/farmbill/2008/
Trước mắt, có thể xác định 2 Mục trong Đạo luật có khả năng tác động nhiều nhất đến thương mại với Việt Nam: Mục 8204 – Ngăn ngừa các hoạt động đón gỗ bất hợp pháp; và Mục 3301 – Gỗ xẻ từ cây lá kim (gỗ xẻ mềm).
II. Mục 8204 – Ngăn ngừa các hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp:
1. Luật bảo vệ thực vật của nước ngoài được thực thi tại Hoa Kỳ:
    - Mục 8204 sửa đổi, mở rộng Đạo luật Tu chỉnh Lacey 1981 (Lacey Act Amendments of 1981); theo đó, trong thương mại giữa các bang và với nước ngoài, cấm mọi hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển, mua bán bất kỳ thực vật (plant) nào được đốn hạ, thu hoạch, sở hữu, vận chuyển, hoặc mua bán trái với bất kỳ luật hoặc quy định của bất kỳ bang nào hoặc bất kỳ luật pháp nước ngoài nào về bảo vệ, quản lý thực vật hoặc về các loại thuế và phí liên quan đến việc khai thác thực vật.
    - Đồng thời, cấm sở hữu bất kỳ thực vật nào vi phạm những điểm trên trong “phạm vi quyền hạn lãnh thổ và hải phận đặc biệt của Hoa Kỳ” (“special maritime and territorial jurisdiction of the United States” – đây là một khái niệm mà luật Hoa Kỳ định nghĩa rất rộng, rộng hơn lãnh thổ hải quan của Hoa Kỳ, bao gồm những nơi như vùng đặc quyền kinh tế biển của Hoa Kỳ, tàu thuyền, máy bay của Hoa Kỳ trên hải phận hoặc không phận quốc tế, và bao gồm cả “bất kỳ nơi nào nằm ngoài phạm vi quyền hạn của bất kỳ quốc gia nào (nếu) có liên quan tới hành vi phạm tội đối với hoặc bởi một công dân Mỹ”).
    - Ngoài thực vật thì Đạo luật Tu chỉnh Lacey 1981 cũng áp dụng đối với động vật hoang dã và cá (tuy nhiên động vật hoang dã và cá không có yêu cầu khai báo nhập khẩu như thực vật). Các chế tài theo Đạo luật Lacey gồm có hình phạt hành chính dân sự, tịch thu hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ vi phạm và việc bị can có chủ ý phạm tội hay không.
    - Để tránh hoặc giảm thiểu hình phạt, điều quan trọng là các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ phải quan tâm tìm hiểu một cách thích đáng và có trách nhiệm đối với nguồn gốc của các thực vật và sản phẩm thực vật; hệ quả là các nhà nhập khẩu sẽ đặt ra nhiều yêu cầu thông tin hơn đối với các nhà cung cấp/xuất khẩu.
2. Yêu cầu khai báo thực vật trong hàng nhập khẩu:
- Mục 8204 cũng đưa thêm vào Đạo luật Tu chỉnh Lacey 1981 yêu cầu về Khai báo Thực vật bắt đầu có hiệu lực 180 ngày kể từ ngày ban hành quy định này (tức là khoảng ngày 15/12/2008); theo đó, bất kỳ đối tượng nào nhập khẩu bất kỳ thực vật nào cũng phải nộp một bản khai báo khi nhập khẩu bao gồm những thông tin sau:
·        Tên khoa học (bao gồm tên chi (genus) và loài (species)) của bất kỳ thực vật nào có trong hàng nhập khẩu.
·        Giá trị hàng nhập khẩu và Số lượng thực vật trong đó (bao gồm đơn vị đo lường).
·        Tên của nước nơi thực vật đó được đốn hạ, thu hoạch.
    - Thuật ngữ “thực vật” được định nghĩa là bất kỳ bộ phận hoang dã nào của giới thực vật, bao gồm cả rễ, hạt, bộ phận hoặc sản phẩm làm từ đó, và bao gồm các loại cây từ các lâm phần (forest stands) tự nhiên hoặc được trồng.
                        Ngoại lệ: Thuật ngữ “thực vật” không bao gồm mẫu vật nghiên cứu, thực vật tiếp tục được nuôi trồng, cây lương thực hoặc cây trồng thông dụng. Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ, sau khi tham vấn với các cơ quan hữu quan, sẽ ban hành quy định định nghĩa những thuật ngữ nằm trong ngoại lệ này. Mặc dù phạm vi điều chỉnh của quy định này còn chưa được làm rõ, song với ngôn từ hiện nay, có thể nói phạm vi điều chỉnh sẽ rất rộng, có thể bao gồm: đồ nội thất (bằng gỗ, bìa, v.v…), sản phẩm dệt may bằng tơ rayon, đồ làm bếp có cán bằng gỗ, hàng may mặc với khuy gỗ, giấy và bìa, tăm và rất nhiều sản phẩm khác. Các nhà nhập khẩu sẽ phải lấy những thông tin cần khai báo từ các nhà cung cấp/xuất khẩu và do đó các nhà xuất khẩu sẽ phải theo dõi, lưu giữ hồ sơ về những thông tin này một cách thường xuyên.
- Đối với hàng nhập khẩu mà sản phẩm thực vật trong đó gồm nhiều loài hoặc có xuất xứ từ nhiều quốc gia, mà không biết chính xác tên loài hoặc tên quốc gia, thì yêu cầu khai báo tên tất cả các loài hoặc các quốc gia có khả năng là đúng.
- Đối với sản phẩm thực vật giấy hoặc bìa có chứa sản phẩm thực vật tái sinh thì khai báo thêm tỉ lệ trung bình thành phần tái sinh (không cần tên loài hoặc nước xuất xứ) ngoài yêu cầu khai báo thông tin như trên đối với phần thực vật không tái sinh.
- Yêu cầu khai báo thực vật trong hàng nhập khẩu không áp dụng đối với thực vật dùng riêng làm vật liệu bao gói để hỗ trợ, bảo vệ, hoặc chứa các vật khác, trừ khi bản thân vật liệu bao gói là vật được nhập khẩu.
- Không muộn hơn 2 năm kể từ ngày ban hành quy định này, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ rà soát lại việc thực hiện quy định và lấy ý kiến bình luận của công chúng. Không muộn hơn 180 ngày kể từ ngày hoàn thành việc rà soát, Bộ trưởng sẽ báo cáo Quốc hội về đánh giá hiệu quả quy định và khả năng hài hòa hóa với các quy định liên quan; đồng thời, Bộ trưởng có thể ban hành quy định điều chỉnh yêu cầu khai báo đối với sản phẩm thực vật hoặc giới hạn lại phạm vi ngoại lệ.
- Cho đến nay, chưa có thông tin gì thêm về văn bản hướng dẫn thủ tục khai báo nhập khẩu thực vật. Đây là yêu cầu đối với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, chỉ tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu nước ngoài, nên cũng không thấy phía Hoa Kỳ đề cập gì đến hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nhà xuất khẩu nước ngoài khi thực hiện quy định này.
III. Mục 3301 – Gỗ xẻ từ cây lá kim (Gỗ xẻ mềm):
1. Thiết lập yêu cầu khai báo khi nhập khẩu một số loại Gỗ xẻ mềm:
- Mục 3301 của Đạo luật Nông nghiệp 2008 sửa đổi Đạo luật Thuế quan 1930 bằng việc bổ sung Chương VIII về Gỗ xẻ mềm – Chương này còn có tên là “Đạo luật Gỗ xẻ mềm năm 2008” (gồm các Mục từ 801 đến 809 của Đạo luật Thuế quan 1930).
- Mục 803 yêu cầu các nhà nhập khẩu một số loại gỗ xẻ mềm và sản phẩm từ gỗ xẻ mềm phải khai báo những thông tin dưới đây kèm theo Bản tóm tắt hàng hóa (entry summary):
·        Giá xuất khẩu (export price) của mỗi lô hàng gỗ xẻ mềm hoặc sản phẩm gỗ xẻ mềm.
·        Mức phí xuất khẩu ước tính (estimated export charge), nếu có, áp dụng với mỗi lô hàng gỗ xẻ mềm hoặc sản phẩm gỗ xẻ mềm, tính theo phần trăm của giá xuất khẩu nói trên. Tỉ lệ phần trăm tương ứng được quyết định và công bố hàng tháng bởi Thứ trưởng phụ trách Thương mại Quốc tế - Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
·        Khai báo của nhà nhập khẩu xác nhận là đã tìm hiểu thông tin, tài liệu một cách hợp lý từ cả nhà xuất khẩu và phía Hoa Kỳ để khai báo giá xuất khẩu và mức phí xuất khẩu ước tính phù hợp với các quy định liên quan của nước xuất khẩu và của Hoa Kỳ.
                        - Các thuật ngữ “giá xuất khẩu”, “phí xuất khẩu” và các thuật ngữ liên quan khác đều được định nghĩa rõ trong Mục 802. Trong đó, đáng lưu ý là thuật ngữ “phí xuất khẩu” – “phí xuất khẩu” là bất kỳ loại thuế hay phí nào mà nước xuất khẩu thu trên sản phẩm gỗ xẻ mềm thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, theo một thỏa thuận quốc tế giữa nước đó và Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ chỉ có một thỏa thuận quốc tế duy nhất về xuất khẩu gỗ xẻ mềm - với Canada (để giải quyết vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp dai dẳng đối với gỗ xẻ mềm của Canada xuất sang Hoa Kỳ). Nói cách khác, trong thời gian trước mắt chỉ có gỗ xẻ mềm từ Canada phải chịu phí xuất khẩu loại này. Việc Hoa Kỳ đưa yêu cầu này thành một quy định chung áp dụng với tất cả các nước một mặt có thể là để tránh vi phạm nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN); mặt khác, mở ra khả năng Hoa Kỳ sẽ hướng tới những thỏa thuận tương tự với các nước khác về gỗ xẻ mềm hoặc sản phẩm khác; đồng thời, tạo tiền lệ cho việc yêu cầu khai báo nhập khẩu đối với các sản phẩm khác nhau.
2. Phạm vi điều chỉnh:
- Mục 804 quy định rõ về các loại gỗ xẻ mềm và sản phẩm gỗ xẻ mềm thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình khai báo nhập khẩu theo Mục 803, nêu cụ thể 8 mã HTS sau đây: 4407.10.00, 4409.10.10, 4409.10.20, 4409.10.90, 4409.10.05, 4418.90.46.95, 4421.90.70.40 và 4421.90.97.40. Bên cạnh mã HTS thì Mục 804 cũng bổ sung mô tả của các sản phẩm trên đồng thời liệt kê các ngoại lệ đối với quy định. Các ngoại lệ này một mặt liệt kê một số sản phẩm thuộc các mã HTS nói trên nhưng không phải chịu yêu cầu khai báo, mặt khác nêu cụ thể một số loại sản phẩm không thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình, đáng chú ý có cửa ga-ra, khung cửa đi hoặc cửa sổ hoàn thiện, đồ dùng cá nhân hoặc gia đình, và đặc biệt là Đồ nội thất.
- Số liệu Hoa Kỳ nhập khẩu 8 mã HTS thuộc phạm vi điều chỉnh của yêu cầu khai báo cho thấy 2 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của quy định này là Canada và Trung Quốc, ngoài ra còn một số nước xuất khẩu gỗ ở Mỹ Latinh (Brazil, Mexico) và ở Đông Á (Indonesia, Malaysia, Đài Loan). Với 8 mã HTS này, Việt Nam chỉ xuất sang Hoa Kỳ 3 triệu USD trong năm 2007 và 4 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2008 nên có thể nói tác động đối với Việt Nam trước mắt là không lớn. Tổng xuất khẩu chương 44 HTS (gỗ và sản phẩm gỗ) của Việt Nam vào Hoa Kỳ là gần 40 triệu USD trong năm 2007.
3. Yêu cầu lưu giữ hồ sơ:
                        - Bất cứ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến yêu cầu khai báo thông tin của nhà nhập khẩu theo quy định này cũng phải được lưu giữ và cung cấp khi cần thiết phù hợp với Chương V của Đạo luật Thuế quan 1930.
    - Đối với những Bộ sản phẩm gỗ trọn gói để xây dựng một ngôi nhà (Home Packages or Kits) được miễn yêu cầu khai báo nhập khẩu theo Mục 804(c)(7) thì nhà nhập khẩu phải lưu giữ và sẵn sàng cung cấp cho Hải quan Hoa Kỳ khi được yêu cầu các tài liệu liên quan, bao gồm: thiết kế ngôi nhà, hợp đồng mua bộ sản phẩm, danh mục các sản phẩm trong đó.
4. Chế tài:
Bất kỳ ai cố tình vi phạm quy định về khai báo theo chương này khi nhập khẩu gỗ xẻ mềm vào Hoa Kỳ sẽ có thể phải chịu hình phạt dân sự không quá 10.000 USD tùy theo mỗi vi phạm.
5. Hướng dẫn thực hiện của Hải quan Hoa Kỳ:
Ngày 25/8/2008, Hải quan Hoa Kỳ đã ban hành quy định tạm thời (interim rule) hướng dẫn thi hành yêu cầu khai báo nhập khẩu theo Đạo luật Gỗ xẻ mềm 2008 nêu trên (Xem Quy định tạm thời của Hải quan Hoa Kỳ kèm theo):
- Một phần lớn Quy định hướng dẫn là tóm tắt và trích dẫn các nội dung cụ thể trong Đạo luật Gỗ xẻ mềm 2008 – vì bản thân Đạo luật đã đủ chi tiết cụ thể.
- Sửa phần 12 của Chương 19 Bộ Quy định Liên bang của Hoa Kỳ (CFR), hướng dẫn các nhà nhập khẩu khai báo các thông tin yêu cầu theo Đạo luật Gỗ xẻ mềm 2008 bằng con đường điện tử (Hải quan Hoa Kỳ đã có sẵn Hệ thống Thương mại Tự động ACS - Automated Commercial System - để thu thập, xử lý dữ liệu nhập khẩu) đồng thời thêm mã chữ cái “Y” vào đầu mục khai “mức phí xuất khẩu ước tính”. Mã chữ cái “Y” đại diện cho khai báo của nhà nhập khẩu xác nhận là đã tìm hiểu thông tin, tài liệu một cách hợp lý từ cả nhà xuất khẩu và phía Hoa Kỳ để khai báo giá xuất khẩu và mức phí xuất khẩu ước tính phù hợp với các quy định liên quan của nước xuất khẩu và của Hoa Kỳ.
- Hướng dẫn khai báo các thông tin cho mỗi lô hàng trên một dòng đơn nhất trong Bản tóm tắt hàng hóa (nộp bằng con đường điện tử).
- Sửa các điều khoản về lưu giữ hồ sơ trong phần 163 của Chương 19CFR để phản ánh các yêu cầu lưu giữ hồ sơ trong Đạo luật Gỗ xẻ mềm 2008.
- Bổ sung, hướng dẫn phần chế tài: Việc không cung cấp kịp thời thông tin khai báo nhập khẩu gỗ xẻ mềm theo quy định sẽ cấu thành một vi phạm đối với điều khoản ký quỹ của nhà nhập khẩu theo điểm 19CFR113.62 và có thể dẫn đến yêu cầu nộp “tiền phạt bồi thường định trước” (liquidated damages) theo khoản ký quỹ tương đương với giá trị của hàng hóa liên quan đến vi phạm.
- Gia hạn thời hạn hiệu lực của quy định về khai báo nhập khẩu thêm 30 ngày từ 18/8/2008 đến 18/9/2009 để cho cộng đồng nhập khẩu có đủ thời gian tuân thủ.
          - Ước tính gánh nặng hành chính phát sinh đối với các nhà nhập khẩu và môi giới nhập khẩu do quy định này:
·        Ước tính số lượng đối tượng khai và/hoặc lưu giữ hồ sơ: 210.
·        Số lần khai hàng năm với mỗi đối tượng: 1905.
·        Ước tính tổng số lần khai: 400.000.
·        Ước tính thời gian cho mỗi lần khai: 40 phút (0.333 giờ).
·        Ước tính tổng gánh nặng khai báo và lưu giữ hồ sơ hàng năm: 266.000 giờ
- Không đề cập gì đến gánh nặng phát sinh đối với các nhà cung cấp/xuất khẩu và do đó cũng không đề cập gì đến hỗ trợ kỹ thuật hay tài chính cho nước ngoài để thực hiện quy định này.
     
 
(Vụ Châu Mỹ - Bộ Công Thương)


 

Nguồn: Vinanet