Hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm 2010 có những dấu hiệu tích cực. So với 9 tháng năm 2009, xuất khẩu tăng trưởng cao, KNXK tăng dần qua từng tháng; KNXK bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 5,72 tỷ USD/tháng là mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu vẫn đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản do sản xuất đã đến ngưỡng và một số mặt hàng do nhu cầu thị trường không ổn định nên lượng xuất khẩu tăng không đáng kể, tuy nhiên xuất khẩu nông sản đã được lợi hơn về giá, giá xuất khẩu tăng đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào gia tăng KNXK.
Nhóm hàng nông lâm thủy sản 9 tháng xuất khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 20,7% trong tổng KNXK. Lượng XK của hầu hết các mặt hàng tăng không cao như năm 2009 thậm chí có một số mặt hàng lượng xuất khẩu giảm như hạt tiêu giảm 9,4%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 54,1% nhưng do giá XK bình quân của nhiều mặt hàng tăng làm cho kim ngạch nhóm hàng này tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng khoảng 1,58 tỷ USD).
Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 5,79 tỷ USD, chiếm 11,2% trong tổng KNXK. Lượng XK dầu thô giảm 44,3% nhưng do giá XK tăng nên KNXK chỉ giảm 22,2%; mặt hàng than đá lượng giảm 17%, tuy nhiên giá XK tăng cao nên KNXK tăng 26,2%; quặng và các khoáng sản khác tăng cả về lượng và trị giá đã làm cho KNXK nhóm hàng này tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy do giảm lượng xuất khẩu nên KNXK nhóm hàng này chỉ bằng 90% so với cùng kỳ (tương đương giảm khoảng 642 triệu USD).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 28,2 tỷ USD, chiếm 34,6% trong tổng KNXK, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất và là nhóm hàng có tốc độ tăng cao, nguyên nhân chính vẫn là do sự phục hồi kinh tế thế giới nên nhu cầu nhập khẩu của nhóm tăng (tương đương tăng 6,5 tỷ USD). Trong đó có nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng vượt trội như: hoá chất tăng hơn 2,9 lần, sắt thép các loại tăng hơn 2,8 lần, phương tiện vận tải tăng 76,7%, dây điện và cáp điện tăng 67,8%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 55,2%, sản phẩm hoá chất tăng 49,8%... Riêng mặt hàng dệt may trong tháng 7 đã xác lập mức kỷ lục với KNXK đạt trên 1 tỷ USD, tháng 8, 9 vẫn ở mức trên 1 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 61% trị giá hàng dệt may xuất khẩu của cả nước.
Do sự phục hồi của nền kinh tế nên nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng vượt trội, xuất khẩu khu vực FDI có sự tăng trưởng mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nhóm này và vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng.
Theo đánh giá của các Vụ Thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu tăng trên tất cả các thị trường, trong đó tăng cao nhất là thị trường Châu Á tăng 28,4%, thứ hai là Châu Phi tăng 27,9%, tiếp đó là Châu Mỹ tăng 27,3%, Châu Âu tăng 13,7%, Châu Đại Dương tăng 13,6%.
Xuất khẩu sang thị trường Châu Á tăng cao nhất chủ yếu tập trung ở những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ như: dầu thô, dệt may, thuỷ sản, nông sản; Xuất khẩu sang thị trường Châu phi tăng cao do sự tăng mạnh của xuất khẩu gạo sang thị trường Ăngola, Ghana và tái xuất vàng sang Nam Phi; Xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ tăng ở mức cao do sự gia tăng chủ yếu của những mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, đồ gỗ, linh kiện điện tử...; Thị trường Châu Âu và Châu Đại Dương tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước nguyên nhân do cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đã ảnh hưởng đến một số nước Châu Âu khác nên tiêu dùng giảm, thị trường Châu Đại Dương chủ yếu vẫn là do xuất khẩu lượng dầu thô sang thị trường này giảm.
Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2010 đã từng bước được cải thiện, nếu như hết quý I/2010, xuất khẩu chỉ tăng 1,6% trong khi nhập khẩu tăng tới 40,2%; hết quý II xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 29,1%, thì đến hết tháng 8/2010 khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa xuất khẩu đã được thu hẹp nhiều và đến hết quý III tốc độ tăng xuất khẩu đã cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng 23,2%, nhập khẩu tăng 22,7%). Cán cân thương mại nhờ đó đã được cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm. Nhập khẩu trong những tháng cuối năm thường tăng cao, vì vậy, vẫn cần tiếp tục phải kiểm soát chặt chẽ, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo tỷ lệ nhập siêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu kế hoạch KNXK tăng 6% thì cả năm phải đạt 60,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm đã đạt 51,5 tỷ USD (bình quân 1 tháng đạt 5,72 tỷ USD) và như vậy thì 3 tháng cuối chỉ cần mỗi tháng đạt 3 tỷ USD là hoàn thành kế hoạch. Tình hình thực tế hiện nay cho thấy, nguồn lực cho xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thuỷ sản đã huy động đến mức tới hạn, nhóm hàng khoáng sản cũng chỉ xuất khẩu trong hạn mức kế hoạch, như vậy xuất khẩu 3 tháng còn chủ yếu là đóng góp của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Trên thực tế, tình hình xuất khẩu sẽ có xu hướng diễn biến tương đối thuận lợi. Theo thống kê của những năm gần đây KNXK Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 69 tỷ USD.

Nguồn: Vinanet