Ngày 18/6/2008, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Nông nghiệp. Dự kiến, khi áp dụng Đạo Luật này sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh, phát triển xuất khẩu hàng đồ gỗ nội thất và các sản phẩm gỗ khác, hàng thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc nguyên liệu từ gỗ và các loại cây trồng của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Do vậy, chúng tôi xin trích lược nội dung tóm tắt và một số điểm đáng lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong lĩnh vực có liên quan, do Vụ Châu Mỹ và Trung tâm thông tin thị trường nước ngoài tổng hợp.
Nguồn gốc, phạm vi điều chỉnh của Đạo Luật Nông nghiệp.
Đạo Luật Nông nghiệp là sự kéo dài của Đạo Luật Lacey - được áp dụng để truy tố những đối tượng kinh doanh động vật hoang dã và cá một cách bất hợp pháp.
Đạo Luật Lacey điều chỉnh cả việc vi phạm luật của Hoa Kỳ hoặc Luật nước ngoài đối với việc sử dụng hoặc vận chuyển gỗ và các loại cây trồng.
Tức là coi hoạt động vận chuyển các sản phẩm làm từ gỗ đã chặt đốn, vận chuyển hoặc bán trái phép theo luật của nước ngoài cũng là sự vi phạm luật của Hoa Kỳ.
Các Luật về gỗ của nước ngoài có thể được cưỡng chế thi hành tại các toà án của Hoa Kỳ.
Các chế tài của Đạo Luật này bao gồm: phạt hành chính dân sự, tịch thu hàng vận chuyển, phạt hình sự hoặc bắt giam. Nếu vi phạm Luật Lacey cũng có thể kết tội buôn lậu hoặc rửa tiền.
Điểm mấu chốt để các nhà nhập khẩu tránh hoặc hạn chế tối đa bị phạt là phải cẩn trọng và xem xét kỹ nguồn gỗ đầu vào.  
Những yêu cầu mới về khai nhập khẩu đối với các sản phẩm gỗ
Quốc hội Hoa Kỳ cũng yêu cầu bổ sung thêm trong việc kê khai nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu nắm thông tin chính xác về nguồn hàng. (Bắt đầu có hiệu lực vào 15/12/2008).
Các nhà nhập khẩu sẽ phải kê khai tên khoa học của bất kỳ loại cây trồng nào sử dụng trong hàng hoá, giá trị nhập khẩusố lượng cây trồngtên nước nơi loại cây trồng được sử dụng.
Các nhà nhập khẩu cần phải có được những thông tin này từ những nhà cung cấp của mình và những nhà cung cấp cũng cần phải lưu giữ thông tin này một cách thường xuyên.
Mặc dù phạm vi điều chỉnh của quy định này còn chưa được làm rõ, song với ngôn từ hiện nay, có thể nói phạm vi điều chỉnh sẽ rất rộng, có thể bao gồm: đồ nội thất (bằng gỗ, bìa, v.v…), sản phẩm dệt may bằng tơ rayon, đồ làm bếp có cán bằng gỗ, hàng may mặc với khuy gỗ, giấy và bìa, tăm và rất nhiều sản phẩm khác.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải lấy những thông tin cần khai báo từ các nhà cung cấp/xuất khẩu và do đó các nhà xuất khẩu sẽ phải theo dõi, lưu giữ hồ sơ về những thông tin này một cách thường xuyên.

Riêng với trường hợp nhập khẩu gỗ xẻ mềm phải khai báo thêm giá xuất khẩu, mức phí xuất khẩu ước tính, khai báo của nhà nhập khẩu xác nhận là đã tìm hiểu thông tin, tài liệu một cách hợp lý từ cả nhà xuất khẩu và phía Hoa Kỳ để khai báo giá xuất khẩu và mức phí xuất khẩu ước tính phù hợp với các quy định liên quan của nước xuất khẩu và của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên hiện tại mới chỉ có gỗ sẻ mềm từ Canada phải chịu mức phí xuất khẩu này.
Ví dụ phạt đối với một doanh nghiệp Trung Quốc
Mới đây, ngày 16/4/2008 , theo Đạo Luật bảo vệ sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng và quy chế chống buôn lậu, Ban Hội thẩm Toà án Liên bang tại Newark đã buộc tội một nhà sản xuất đồ nội thất Trung quốc đối với việc nhập khẩu một công ten nơ giường cũi trẻ em được làm từ ramin, một loại cây có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Công ty này và cá nhân liên quan đối mặt với khả năng phải ngồi tù nhiều năm và bị phạt hàng trăm ngàn đô la.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ năm 2007 đạt 930 triệu USD, tăng 25% so với năm 2006.
 
Mục tiêu phấn đấu đối với thị trường Hoa Kỳ được Bộ Công thương đề xuất là đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD vào năm 2008, tăng 23,6% so với năm 2007.
 
Tính chung 10 tháng năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 875,8 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2007.
 
Đồ gỗ Việt Nam hiện đứng thứ năm trong top 10 các nước xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ, sau Trung Quốc (chiếm 49% thị phần đồ gỗ tại Mỹ), Canada (15%), Mehico (14%), Italia (3%), Việt Nam (2%)…
 

Nguồn: Internet