Theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan đối với các đơn vị Hải quan địa phương khi làm thủ tục cho các lô hàng giấy nhập khẩu.
Đối với mặt hàng giấy nhập khẩu, nếu doanh nghiệp khai vào mã số giấy làm nền để sản xuất các loại giấy carton, giấy tráng nhôm, Hải quan nơi làm thủ tục phải kiểm tra thực tế hàng hoá để xác định đúng hàng hoá là giấy nền hay là giấy in sách, giấy viết, giấy in báo. Trường hợp cán bộ kiểm hoá không xác định được chính xác loại giấy nhập khẩu thì lấy mẫu gửi Trung tâm phân tích phân loại hoặc tổ chức giám định chuyên ngành. Kết quả phân tích, giám định là cơ sở để thực hiện.
Nếu mặt hàng giấy nhập khẩu có xuất xứ từ các nước được Việt Nam cho hưởng ưu đãi đặc biệt khi người nhập khẩu xuất trình C/O mẫu D hoặc mẫu E thì phải kiểm tra kỹ hồ sơ để xác định sự đồng bộ của hồ sơ với C/O; lưu ý kiểm tra về tuyến đường vận chuyển trên B/L, manifest để xác định tuân thủ với quy định vận chuyển trực tiếp, kiểm tra thể thức C/O và mẫu dấu chữ ký trên C/O đúng quy định. Trường hợp cần thiết thì kiểm tra thực tế hàng hoá để xác định xuất xứ và mã số hàng hoá.
Ngoài ra, các Cục Hải quan địa phương giao cho đơn vị thu thập và xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan cấp Cục chủ trì, phối hợp với Đội kiểm soát hải quan, các đơn vị nghiệp vụ và Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường tổ chức thu thập và đánh giá thông tin về doanh nghiệp, các lô hàng giấy từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó lấy xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác để hưởng thuế suất áp dụng cho Việt Nam và tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho nước này để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp. 

Nguồn: Vinanet