Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) vừa dự báo xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm tới sẽ đạt kim ngạch từ 4,1- 4,2 tỷ USD.

Phó chủ tịch Vietforest cho biết: trong năm 2010, các thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đều có mức phục hồi đáng kể so với năm 2009, và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu 3 tỷ USD. Xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ có mức tăng trưởng tới 15%, ở EU con số này là khoảng 8%.

Tại thị trường Mỹ, sở dĩ có mức tăng cao như vậy là vì năm ngoái do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên các nhà nhập khẩu hầu như không đặt thêm hàng mới mà chỉ “giải phóng” kho nhằm thu hồi vốn.

Sang năm nay, sức mua tăng mạnh đã khiến lượng hàng cạn kiệt, các nhà nhập khẩu buộc phải tăng lượng hàng nhập về. Kéo theo điều này, các đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ đã tăng giá thêm từ 3-7% so với trước đó.

Năm nay ở thị trường Mỹ, người tiêu dùng cũng đã có sự thay đổi về thị hiếu. Trước đây nhu cầu thường tập trung chủ yếu vào đồ gỗ ngoài trời thì nay lại hướng vào đồ gỗ nội thất. Thêm nữa, thay vì chuộng các đồ gỗ cao cấp họ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng có mức giá “bình dân” hơn. Trong khi những sản phẩm đó lại rất phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam.

Tất cả những điều này đã góp phần “đẩy” kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ lên 3,2- 3,3 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 3 tỷ USD hồi đầu năm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tiếp cận được với các thị trường mới được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhập khẩu đối với mặt hàng đồ gỗ như Ấn Độ, Nga, Trung Đông…

Theo đánh giá của Vietforest, năm 2011 nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam là rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này có thể đạt tới 4,1- 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Nhưng những năm tới ngành gỗ phải tiếp tục đạt mức tăng trưởng khoảng 35%/năm thì đến năm 2020 mới đạt được mục tiêu kim ngạch là 7 tỷ USD như chiến lược đã đề ra.

Mặc dù từ 1/4/2010, đạo luật Lacey của Mỹ về cấm buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp chính thức có hiệu lực, nhưng theo ghi nhận hơn 6 tháng qua, các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đều chưa gặp phải khó khăn từ các quy định.

Thực tế, năm 2010 mới chỉ là giai đoạn khởi động, vì vậy để xuất khẩu vào thị trường Mỹ các doanh nghiệp vẫn phải hết sức chú ý tới lộ trình thực hiện các quy định của đạo luật.

Khi tuân thủ theo các quy định, giá gỗ nguyên liệu có thể tăng tới 30% và thời gian để có đủ lượng gỗ cần thiết sẽ phải kéo dài hơn. Do đó các doanh nghiệp cần có sự chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Nguồn: Vinanet