Tiêu thụ giấy viết tăng đáng kể, đạt 90% kế hoạch tiêu thụ. Ngành giấy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng các doanh nghiệp đang lo lắng khi giá nguyên liệu giấy nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng trở lại. Riêng giá giấy loại tăng tới 61% (từ 1.800 đồng/kg lên 2.900 đồng/kg) trong khi doanh nghiệp không thể tăng giá bán. Nói cách khác, cứ sản xuất 1 tấn giấy sẽ lỗ gần 1,4 triệu đồng.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu dùng giấy các loại chỉ giảm 9%. Trong đó, tiêu dùng giấy tissue và giấy in viết không thay đổi, tiêu thụ giấy in báo giảm 20% so cùng kỳ, tiêu thụ giấy làm bao bì công nghiệp giảm 15%. Lượng giấy tồn kho toàn ngành chỉ còn khoảng 15.000 – 20.000 tấn (đầu năm tồn kho khoảng 70.000 tấn). Vấn đề là, lượng giấy tồn kho giảm không phải do thị trường tiêu dùng giấy khởi sắc mà do sản xuất toàn ngành đã giảm 15% so cùng kỳ. Các nhà máy giấy trong nước mới chỉ đạt được 80 - 85% công suất, riêng máy sản xuất giấy in báo huy động chưa tới 40% công suất. Mặt khác, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 12% thì lượng xuất khẩu đã giảm tới 74%.

Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách thuế thay đổi cùng với tình trạng gian lận thương mại vì quản lý xuất nhập khẩu chưa chặt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước. Thậm chí, một số đơn vị còn nhập cả giấy in sẵn dòng kẻ để làm vở tập xuất khẩu. Sản xuất giấy in báo giảm gần 60%, sản xuất giấy in viết giảm 10% trong khi nhập khẩu giấy in viết tăng tới 22%, nhập khẩu giấy in báo tăng 8%. Từ quý IV/2008 đến quý II/2009, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán giấy ở mức sát giá thành hoặc bán lỗ. Đầu tháng 6, Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty Giấy Tân Mai đã tăng giá bán gần 5% nhưng sản lượng tiêu thụ lập tức giảm mạnh, nhập khẩu tăng vì giá giấy nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh. Từ 1/8/2009, 2 “đại gia” này đã phải giảm giá bán tới 7%. Trong khi giá nguyên liệu, giá điện, than, dầu tăng nhanh đã khiến các doanh nghiệp vô cùng lo lắng.

Để có nền công nghiệp giấy phát triển thì một trong những yếu tố quan trọng là phải chủ động nguồn nguyên phụ liệu sản xuất như: bột giấy, giấy loại… nhưng hiện tại, các nguồn nguyên phụ liệu này rất thiếu. Do mất cân đối giữa sản xuất giấy và bột giấy nên những năm qua, trừ Bãi Bằng và Tân Mai đã chủ động được cơ bản nguyên liệu bột giấy, còn lại hầu hết các doanh nghiệp hàng năm đều phải nhập khẩu khoảng 100.000 – 150.000 tấn bột giấy cho sản xuất. Đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của ngành Giấy.

Nhận rõ sự cần thiết của cây nguyên liệu giấy, Tổng công ty Giấy đã xây dựng mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu. 5 năm qua toàn Tổng công ty trồng được 35.350 ha rừng nguyên liệu, đồng thời quy hoạch vùng nguyên liệu sang các tỉnh Sơn La, Hòa Bình với tổng diện tích 31.000 ha. Theo đó, đến năm 2010 sẽ trồng thêm 9.050 ha, nâng tổng diện tích rừng nguyên liệu lên trên 60.000 ha. Tuy nhiên, công tác trồng rừng hàng năm cũng chỉ đạt khoảng 65-70% kế hoạch. Nguyên nhân là do vốn vay ưu đãi đầu tư trồng rừng quá thấp, cộng với lãi vay phải trả hàng năm, đồng thời một phần lớn diện tích đất quy hoạch trong vùng nguyên liệu giấy là đất của dân nên khó huy động để trồng rừng nguyên liệu giấy; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số công ty lâm nghiệp chưa được giải quyết, tình trạng tranh chấp đất đai vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi; hạn mức vốn vay quá thấp và chỉ đạt 30-35% so với nhu cầu vốn. Mặc dù vậy, tổng công ty vẫn phấn đấu đến năm 2010 sẽ trồng 9.050 ha rừng nguyên liệu, khai thác 300.000 tấn gỗ, xuất khẩu 150.000 tấn dăm mảnh. Giai đoạn 2011 – 2015 sẽ đảm bảo tự cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất ở mức 50%. Trồng mới trên 200.000 ha rừng nguyên liệu, năng suất trồng rừng đạt 110 -115m3/ha/chu kỳ, tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động địa phương tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy.

Trong khi Việt Nam có thừa tiềm lực về rừng nguyên liệu và thực tế vẫn đang phải xuất khẩu gỗ hoặc dăm mảnh thì hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập 10.000 – 15.000 tấn bột giấy. Đó là do sự đầu tư bất hợp lý và thiếu cân đối giữa sản xuất bột và sản xuất giấy. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau mà sự kéo dài các công trình đầu tư đã không kịp đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, làm mất cơ hội cạnh tranh với sản phẩm giấy các nước.

Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam khẳng định, chỉ có sự đầu tư hợp lý mới tăng được hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của ngành Giấy cũng như cho phép nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Hiện Tổng công ty Giấy đang tranh thủ tìm mua trọn gói những nhà máy có công nghệ tốt bị phá sản để tăng nhanh năng lực sản xuất cho toàn ngành. Trong đó có dự án mở rộng Bãi Bằng giai đoạn II công suất 250.000 tấn/năm. Nếu thành công thì dự án này sẽ đi vào sản xuất trước dự kiến 2 năm vói mức đầu tư giảm khoảng 2.500 – 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2011 cả nước sẽ có 9 dự án đi vào hoạt động với công suất 40.000 – 330.000 tấn/năm.

Tận dụng lợi thế về rừng nguyên liệu, giá nhân công thấp hơn trong khu vực, các đơn vị trong ngành giấy đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như giấy in, giấy viết, dụng cụ, đồ dùng học sinh... với chất lượng cao sang các thị trường trong khu vực, phấn đấu năm 2010 xuất khẩu đạt 120.500 tấn giấy các loại, đến năm 2015 sẽ xuất khẩu 2.075 tấn.

Để cạnh tranh về giá bán, các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đã chủ động giảm chi phí; giảm lợi nhuận để duy trì khách hàng truyền thống và giữ vững nhịp độ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Cùng với việc tăng cường mở rộng thị trường nội địa, xây dựng chính sách, cơ chế bán hàng linh hoạt, Tổng công ty Giấy và các doanh nghiệp đang phấn đấu mở rộng thị trường xuất khẩu; phấn đấu tiêu thụ tối đa sản phẩm sản xuất trong năm và giảm sản phẩm tồn đọng; mở rộng quan hệ với các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước để khai thông nguồn vốn vay đầu tư cho các dự án, đồng thời huy động nguồn vốn nội bộ trong đơn vị với cơ chế hợp lý.

Khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp phải đáp ứng được các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Cụ thể, giấy xuất khẩu đi Mỹ yêu cầu phải có chứng nhận xuất xứ gỗ, giấy có nguồn gốc từ giấy phế thải thu hồi cũng phải có chứng nhận xuất xứ nguồn gốc. Bên cạnh đó, việc vay vốn cho các dự án trồng rừng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng đang cản trở các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Cùng với những khó khăn về vốn, những bất cập về chính sách thuế nhập khẩu giấy, thuế VAT trong hoạt động buôn bán thu gom giấy loại cũng làm cho các doanh nghiệp không khỏi lo lắng về chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về kế hoạch Ngành giấy giai đoạn 2010 – 2015, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ: Không đánh thuế với hoạt động thu gom buôn bán giấy loại; xây dựng chính sách cụ thể về hoạt động thu gom, tái chế, sử dụng từ giấy loại; khuyến khích các cơ quan nhà nước sử dụng giấy sản xuất trong nước; quy định độ trắng hợp lý (82-85 ISO) cho giấy in viết (thay cho độ trắng 92-95% hiện nay) nhằm đảm bảo thị lực, giảm bớt công đoạn tẩy để hạn chế ô nhiễm môi trường; coi cây nguyên liệu giấy là cây công nghiệp để có chính sách hỗ trợ khuyến khích hợp lý...

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu yêu cầu các kiến nghị phải có dự án, văn bản cụ thể, giao các vụ chức năng phối hợp giải quyết hoặc có kiến nghị sang các Bộ liên quan để kiến nghị về chính sách thuế. Thứ trưởng cũng khẳng định: để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu trên 2 triệu tấn giấy vào năm 2015 là không đơn giản, vì vậy, các đơn vị phải tận dụng thời cơ, phát huy nội lực, tranh thủ đầu tư để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 

Nguồn: Internet