Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đã có trao đổi xung quanh nghịch lý này:
Đây là một nghịch lý nhưng nó cũng thể hiện quy luật “nước chảy vào chỗ trũng” của thị trường. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU mà còn xuất khá nhiều sang Trung Quốc. Hàng năm, Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc hàng trăm triệu đô la Mỹ đồ gỗ.
Phần lớn hàng nội thất của Việt Nam bán sang Trung Quốc là hàng cao cấp, dành cho người có thu nhập cao, làm từ nguyên liệu gỗ cứng, gỗ có giá trị cao như gỗ giáng hương, kết hợp với chạm trổ tinh xảo, tức đồ gỗ kết hợp với mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp Trung Quốc thì bán đồ gỗ nhiều sang Việt Nam chủ yếu ở phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, với sản phẩm làm từ nguyên liệu gỗ MDF và gỗ tạp có giá rẻ. Do vậy mà hàng nội thất giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến đồ gỗ giá thấp của Trung Quốc chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam là do chính các doanh nghiệp chúng ta ít chủ động sản xuất phục vụ thị trường nội địa.
Dù là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhưng phần lớn các doanh nghiệp lại làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài, mà các nước phát triển thì lại tiêu thụ hàng trung và cao cấp, làm từ nguyên liệu gỗ tốt.
Do vậy, doanh nghiệp trong nước không quen tự tìm hiểu thị trường nội địa và làm đồ gỗ cho khách hàng nội địa.
Ngoài ra, hàng nội thất của Trung Quốc có giá rẻ còn do họ làm số lượng lớn và tiết giảm nhiều chi phí sản xuất. Chẳng hạn một nhà xưởng tiền thuê 100 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp Việt Nam thường làm một ca, cho ra 1.000 sản phẩm nhưng với doanh nghiệp Trung Quốc, họ làm 2-3 ca, cho ra 2.000 - 3.000 sản phẩm thì giá thành sản phẩm của họ sẽ thấp hơn là điều dễ hiểu. Phần đông doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện sản xuất một ca, một số ít sản xuất 2-3 ca vào mùa cao điểm.
 

Nguồn: Tin tham khảo