Thời điểm 1/9, khi Thông tư 25 có hiệu lực được hiểu rằng đó là thời điểm hàng cập Cảng Việt Nam chứ không phải là thời điểm hàng xuất phát từ cảng nước ngoài hay thời điểm ký hợp đồng...
Chưa đầy 1 tháng nữa Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu sẽ có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong số 80 quốc gia đã và đang xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam có nhiều nước chưa kịp đăng ký vào danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, sẽ có nhiều lô hàng không thuộc đơn vị được cơ quan thẩm quyền Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định của Việt Nam bị tắc nghẽn.
Tại cuộc họp với VASEP mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát ủng hộ việc tạo điều kiện thuận lợi hơn và hỗ trợ nhất cho việc nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến, xuất khẩu, tuy nhiên phải nằm trong bối cảnh chung các quy định về nhập khẩu các mặt hàng có nguồn gốc động vật, vì vậy các doanh nghiệp cần khẩn trương thích nghi và ứng phó.
Bộ trưởng cho rằng, Bộ NN&PTNT đã lùi thời hạn áp dụng Thông tư 25 thêm 2 tháng để doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài có thời gian nghiên cứu, vì vậy thời hạn áp dụng sẽ không thay đổi hoặc lùi thêm. Do đó, trong giai đoạn này, các đối tác nước ngoài cần đăng ký danh sách thông qua cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu tới NAFIQAD để được xem xét, chấp nhận.
Theo thống kê của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản (NAFIQAD), tính đến ngày 27/7/2010, đã có 5 quốc gia gửi danh sách đăng ký với Cục là: Nauy (52 cơ sở); Oman (1 cơ sở), Trung Quốc và Hàn Quốc đã có danh sách chấp thuận, Ấn Độ cũng gửi danh sách kèm theo bản thỏa thuận MoU đề nghị hợp tác với NAFIQAD.
NAFIQAD và Bộ trưởng khẳng định, yêu cầu giấy C/H trong hồ sơ điều kiện nhập khẩu lô hàng thuỷ sản để gia công, chế biến hàng xuất khẩu là thông lệ quốc tế, cần thiết trong quản lý chất lượng ATTP, đặc biệt là với các nguồn nguyên liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau nên không thể bỏ được giấy C/H khi nhập khẩu lô hàng. Bộ ghi nhận và cho biết sẽ cân nhắc và xem xét việc chấp thuận bản C/H copy nếu bản gốc bị phía cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu đã giữ lại.
Bộ NN&PTNT cho rằng, thực tế, cơ quan thẩm quyền cấp C/O cho doanh nghiệp để DN thực hiện các quy định, cam kết về ưu đãi thuế quan, hoặc có thể để theo dõi kiểm soát vùng dịch bệnh... Do vậy, cần phải có giấy C/O để thực hiện yêu cầu truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo uy tín cho mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam và thực hiện truy xuất nguồn gốc khi có vấn đề xảy ra.
Thời điểm 1/9/2010, khi Thông tư 25 có hiệu lực được hiểu rằng đó là thời điểm hàng cập Cảng Việt Nam chứ không phải là thời điểm hàng xuất phát từ cảng nước ngoài hay thời điểm ký hợp đồng...
Trước tình hình này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nhanh chóng thông báo rõ với đối tác về các quy định của Thông tư 25 và đăng ký với cơ quan thẩm quyền nước sở tại xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam. Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, doanh nghiệp cần phản ánh ngay với VASEP, Cục NAFIQAD và Bộ NN&PTNT để kịp thời tháo gỡ khó khăn./.

Nguồn: Vinanet