Ai cập quy định ghi nhãn bắt buộc đối với nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm. Tất cả các mặt hàng thực phẩm đều phải được đóng gói trong các thùng hàng sạch sẽ, nguyên vẹn, và không có mùi để bảo quản sản phẩm và không ảnh hưởng đến các đặc tính của sản phẩm. Ngày sản xuất và ngày hết hạn phải được ghi rõ trên bao bì của sản phẩm. Thông tin trên nhãn hiệu không được tẩy xoá, cào xước hoặc thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoại trừ dùng tiếng Anh đối với ngày sản xuất và ngày hết hạn còn các thông tin khác thì không được phép sử dụng. Ngày tháng được phép viết bằng tiếng Anh nhưng từ "sản xuất" và "hết hạn" phải viết bằng tiếng A- rập. Tiếng A- rập là ngôn ngữ bắt buộc ghi trên nhãn.
Nhãn hàng hoá phải có các thông tin dưới đây:
- Tên và địa chỉ của nhà sản xuất
- Nhãn hiệu hàng hoá hoặc nhãn hiệu thương mại (nếu có)
- Nước xuất xứ
- Loại sản phẩm và phân loại
- Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu
- Ngày sản xuất và ngày hết hạn
- Hướng dẫn sử dụng (không bắt buộc)
- Thành phần của sản phẩm
- Hướng dẫn bảo quản hoặc nhiệt độ bảo quản
- Khối lượng tịnh
- Khối lượng cả bì và tổng số gói trong một hộp hoặc thùng
- Nếu sản phẩm có chất bảo quản, thì tỷ lệ chất bảo quản phải được ghi rõ
- Nếu sản phẩm là thịt hoặc thịt gia cầm thì phải có ghi chú sau" được giết mổ theo quy định đạo Hồi hoặc được giết mổ theo giới luật Hồi giáo".
Tháng 11 năm 1997, Bộ Thương mại và Ngân sách ban hành nghị định số 465 quy định thêm một số yêu cầu về ghi nhãn đối với nhập khẩu các sản phẩm từ thịt hoặc thịt gia cầm. Nghị định quy định tất cả các sản phẩm phải được đóng gói trong hộp kín. Nhãn hiệu phải được ghi vào bên trong thùng hàng cũng như trên hộp bìa cứng bên ngoài. Thông tin trên nhãn có thể được viết bằng hai hoặc nhiều thứ tiếng miễn là phải có một thứ tiếng là tiếng A rập. Nhãn phải có các thông tin dưới đây:
- Nước xuất xứ
- Tên và logo của nhà sản xuất (nếu có)
- Tên lò mổ
- Ngày giết mổ
- Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu
- Tên của cơ quan cấp giấy chứng nhận "Giết mổ theo quy định đạo Hồi"
Những cơ quan được phép chứng nhận phải được Văn phòng Thương mại của Đại sứ quán Ai cập (hoặc Lãnh sự quán) của nước xuất xứ cho phép.
 
 

Nguồn: Vinanet