665 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Triển lãm quốc tế thiết bị và nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may Saigon Tex 2015.
Triển lãm này do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Công ty Tổ chức triển lãm VCCI (VietchamExpo) phối hợp với Công ty CP Exhibition Hong Kong tổ chức tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 9-12/4.
Đây là triển lãm thường niên, tạo cơ hội thuận lợi để kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, tìm hiểu nhu cầu hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Dự kiến sẽ có 14.000 khách tham quan triển lãm quốc tế này.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Vinatex và ông Trần Việt Dũng, Phó giám đốc VietchamExpo cho biết năm nay, các công ty đến từ châu Âu vẫn duy trì số lượng tham dự triển lãm.
Các công ty trong khu vực châu Á đã có sự gia tăng đến 16,8% so với năm trước. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đến từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan đã tăng tới 40%. Đáng chú ý là có sự hiện diện trở lại của cụm gian hàng quốc gia Ấn Độ.
Trên diện tích gần 15.000m2, các nhà tổ chức đã trưng bày, giới thiệu với khách tham quan các loại máy móc công nghệ cao và tự động hóa như các loại máy tự động cho áo sơmi, quần bò và quần tây; máy móc liên kết, thiết bị dập công nghệ cao dùng cho sản xuất trang phục nam và nữ; máy may đa kim.
Nhiều loại thiết bị như máy lockstitch vi tính, máy in nổi vi tính, các phần mềm tiên tiến, 2D-3D/ giải pháp CAD-Cam, tự động cắt và vẽ và các loại máy móc dệt may như hệ thống se quay sợi, vải và máy nhuộm sợi quay, công nghệ sợi nhân tạo, dệt kim tốc độ cao, thiết bị dệt tự động hóa, máy dệt vải khổ rộng tự động và nhiều loại vải mới với mẫu mã đa dạng được nhiều khách tham quan chú ý.
Dệt may là một ngành quan trọng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong cơ cấu của nền kinh tế của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành này năm 2014 đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước đó.
Dự kiến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 28 tỷ USD, chỉ tiêu nội địa hóa từ 60% đến 70%, đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý chất lượng, lao động và môi trường, hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn: vietnamplus.vn