Theo Quyết định này, mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động của Bộ Công Thương bao gồm: Thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với thị trường châu Phi, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh vào các nước trong khu vực có nhu cầu cao như hàng nông sản, gạo, thực phẩm, hàng dân dụng... Tăng cường các biện pháp trao đổi thương mại hai chiều để giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu và nhập khẩu, chú trọng việc nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, nhất là dầu khí và gỗ. Tận dụng những ưu đãi mà nhiều quốc gia ở châu Phi được hưởng từ Mỹ, EU... hoặc các nước trong khu vực dành cho nhau để tạo cầu nối mở rộng trao đổi thương mại với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phấn đấu nâng tổng giá trị trao đổi thương mại với châu Phi đạt 2,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2009, trong đó xuất khẩu đạt 1,6 tỷ đô la Mỹ và đạt 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 20% mỗi năm. Thúc đẩy việc triển khai các dự án dầu khí đã ký ở An-giê-ri, Ai Cập, Tuy-ni-di, Ca-mơ-run, Cộng hoà Công-gô, Ma-đa-ga-xca, Ni-giê-ri-a và mở rộng các hoạt động dầu khí tại một số nước châu Phi khác có tiềm năng về dầu khí như Ăng-go-la, Li-bi... bằng cách tận dụng các cơ hội thuận lợi để ký kết các hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu thô, khí nhằm phục vụ chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khảo sát thị trường; tăng cường phổ biến thông tin chính sách thị trường và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Nghiên cứu lập các trung tâm thương mại tại một số nước, lập kho ngoại quan tại các khu vực Bắc Phi, Tây Phi, Đông Nam Phi để tạo thuận lợi cho việc quảng bá thương hiệu và trao đổi thương mại. Đa dạng hóa và mở rộng hợp tác với châu Phi trên các lĩnh vực như đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp tại thị trường châu Phi.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra trong Chương trình hành động 7 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra, bao gồm: Tăng cường quan hệ giữa Bộ Công Thương với các cơ quan hữu quan của các quốc gia châu Phi; thiết lập các khuôn khổ pháp lý; kiện toàn, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thương vụ; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin thị trường, cập nhật thường xuyên trên các ấn phẩm báo chí, các cổng thông tin điện tử do Bộ quản lý, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về thị trường các nước châu Phi; đẩy mạnh việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp./.

Nguồn: Vinanet