Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đang phải đương đầu với sự thay đổi của thị trường, đặc biệt là tới đây khi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ - FLEGT của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào 3/3/2013 nhằm đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu phải được sản xuất từ nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Cộng đồng DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam cùng các cơ quan chức năng đã và đang chủ động đàm phán nhằm nhanh chóng thích nghi với các quy định của phía EU, tiếp tục giữ vững thị trường này.

Năm 2010, EU đã chính thức thông qua Kế hoạch hành động EU về tăng cường thực thi “Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ (FLEGT)” để chống lại việc khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp. Trọng tâm của kế hoạch hành động này là những Thỏa thuận Đối tác tự nguyện (VPA) đối với các nước sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có mong muốn loại bỏ gỗ bất hợp pháp trong thương mại với EU. Theo đó kể từ ngày 3/3/2013, chỉ những sản phẩm có chứng chỉ FLEGT mới “rộng cửa” vào thị trường EU.

Tại phiên tham vấn FLEGT giữa Việt Nam và EU diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Giuliana Torta, Đại diện Tổng cục Môi trường của Phái đoàn châu Âu tại Bỉ một lần nữa khẳng định: Khi tham gia FLEGT, các DN Việt Nam không chỉ tiếp tục được xuất khẩu vào EU mà sản phẩm đồ gỗ còn có thể bán được giá cao hơn cũng như có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị  trường khác, giảm thiểu tình trạng chế biến gỗ bất hợp pháp trong nước, tăng uy tín quốc gia. “Ngoài ra, các quốc gia ký kết FLEGT và VPA sẽ được xuất khẩu gỗ vào EU mà không bị kiểm tra hoặc phải đáp ứng bất cứ yêu cầu nào khác về tính hợp pháp”, bà Juliana nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam (Vietforest) Nguyễn Tôn Quyền cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia châu Á sớm hợp tác về FLEGT nhằm đảm bảo lợi ích về lâu dài. Thời gian qua cộng đồng DN đồ gỗ Việt Nam đã vượt khó và chắc chắn sẽ tiếp tục vượt khó để có được chứng chỉ FLEGT. “Chúng tôi đang tiếp tục bàn thảo các nội dung FLEGT với các thành viên EU vì VPA với từng nước là khác nhau. Hiện nay Việt Nam có khoảng 3.400 DN xuất khẩu đồ gỗ, trong đó có 600 DN xuất khẩu gỗ trực tiếp vào EU và Mỹ. Tuy nhiên do từ nay đến tháng 12/2011 mới kết thúc đàm phán và quá trình VPA được nhà nước hỗ trợ tích cực do đó về phía hiệp hội cũng như các DN không đáng lo ngại nhiều”, ông Quyền chia sẻ.

Ông Hà Công Tuấn, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết: Về đại thể, các DN chế biến gỗ đang thực hiện hoạt động xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU sẽ đáp ứng được tiêu chí của FLEGT. Ngoài FLEGT, một số DN còn mời các tổ chức đánh giá độc lập vào cấp chứng chỉ COC. Nhưng về bản chất COC chỉ là chứng chỉ quản lý quá trình sản xuất bền vững và có sự khác biệt giữa chứng chỉ FLEGT và COC. “Bản chất của FLEGT là tự nguyện. Ngoài ra, FLEGT bao quát rộng hơn về tính pháp lý của sản phẩm trong cả một quy trình, từ nguyên liệu gỗ sản xuất từ rừng, nguyên liệu nhập khẩu cho đến khâu xuất khẩu.”, ông Tuấn nhận định.

Tháng 3/2013 là thời hạn cuối cùng các DN phải có chứng chỉ FLEGT và chỉ khi có chứng chỉ này, việc xuất khẩu vào EU mới được ưu đãi đặc biệt, còn nếu không, DN sẽ phải có trách nhiệm giải trình nặng nề và nhiều rủi ro do bị kiểm tra khắt khe. Tuy nhiên ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, không phải đợi đến bây giờ, ngành chế biến xuất khẩu đồ gỗ mới nhận thấy sự biến động của thị trường theo hướng bền vững mà trước đó chúng ta cũng đã chủ động để thực thi và thích ứng với Luật Lacey của Hoa Kỳ có hiệu lực từ 4/2010.

“Rất phấn khởi là đến giờ này, việc xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, EU tiếp tục tăng trưởng; không có DN nào bị phía bạn phát hiện thấy vi phạm. Đây là minh chứng cho việc thích ứng nhanh của DN. Hiện nay về cơ bản, Việt Nam đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp theo quy định và tới đây sẽ tăng cường giám sát của xã hội vào lĩnh vực này để minh bạch hơn”, ông Quyền chia sẻ.

Liên quan đến nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam với một số quốc gia khác, ông Tuấn cho rằng: Việc nhập khẩu các nguồn nguyên liệu gỗ vào Việt Nam thời gian qua là hợp pháp vì các quốc gia đó đã có giấy phép và đã làm thủ tục thông quan ở nước họ thì mới nhập khẩu được vào Việt Nam. Vấn đề còn lại tới đây chủ yếu là thống nhất với nhau về cách định nghĩa gỗ hợp pháp và hệ thống thực thi pháp luật của từng bên.

Có thể nói, việc chủ động thích ứng với FLEGT và VPA thời gian qua là những bước đi đầu tiên để đảm bảo việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang EU không bị gián đoạn trong những năm tới. Trong tương lai, FLEGT và Thỏa thuận Đối tác tự nguyện (VPA) sẽ không chỉ tạo ra sự chắc chắn về mặt luật pháp mà còn đảm bảo về mặt lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu và các nhà đầu tư trong ngành gỗ sẵn sàng giao thương với EU.

Đến nay, EU đã ký thỏa thuận đối tác tự nguyện VPA về FLEGT với 3 nước châu Phi và đang đàm phán với một số nước khác tại khu vực ASEAN gồm: Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

EU hiện là thị trường lớn thứ hai của ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam với 30% tổng giá trị xuất khẩu, đứng thứ hai sau Mỹ (45% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Việt Nam và EU đã chính thức tuyên bố đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA, ngoài ra cũng đã có nhiều cuộc đàm phán kỹ thuật giữa hai bên. Theo lộ trình, việc kết thúc đàm phán, ký kết hiệp định sẽ diễn ra vào cuối năm 2012.

(VEN)

Nguồn: Tin tham khảo