Đây là ý kiến của ông Felice Snider – Lãnh sự danh dự Colombia tại Việt Nam trong buổi làm việc giữa Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư kí VCCI với đoàn đại biểu Colombia mới đây tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Felice Snider đã đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời mong muốn VCCI hỗ trợ để các doanh nghiệp Colombia tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ngay trong quý 2/2015, sứ quán Colombia sẽ tổ chức một buổi xúc tiến thương mại tại Việt Nam để giúp các doanh nghiệp nước này có thể tìm hiểu thị trường cũng như hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam. “Colombia mong muốn được đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại và nông nghiệp" - Ông Felice Snider cho biết.

Nhất trí với lời đề nghị của Lãnh sự danh dự Colombia, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng cho biết: “Nhiệm vụ kết nối xúc tiến thương mại là một hoạt động trọng tâm của VCCI. VCCI luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp quốc tế nói chung và doanh nghiệp Colombia nói riêng vào tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư”. Tổng Thư kí VCCI cho biết thêm, các doanh nghiệp Colombia hoàn toàn có thể tìm hiểu, hợp tác trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang quan tâm và mong muốn được hợp tác với Colombia trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến thức ăn gia súc.

Dù có nhiều yếu tố thuận lợi, song quan hệ kinh tế-thương mại song phương của hai quốc gia còn khá khiêm tốn. kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Colombia năm 2014 đạt khoảng 250 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng sang Colombia gồm: Hàng thủy sản; điện thoại các loại và linh kiện; xơ sợi dệt các loại. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Hiện nay, cơ chế chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho giới doanh nghiệp hai nước. Năng lực xuất khẩu, nhập khẩu của giới doanh nghiệp Việt Nam đang được cải thiện. Mặt khác, mô hình nền kinh tế Colombia có độ mở khá rộng, chính sách ngoại thương thông thoáng.

Colombia là thị trường có tiềm năng lớn với diện tích rộng 1,14 triệu km2, dân số 46,5 triệu người với mức thu nhập khá, sức mua của người tiêu dùng được cải thiện không ngừng. Tài nguyên rất phong phú gồm dầu khí, khí tự nhiên, than đá, quặng sắt, niken, vàng, đồng, ngọc lục bảo, thủy năng. Colombia là nước giàu khoáng sản và năng lượng: đứng đầu khu vực về trữ lượng than (chiếm 40% tổng trữ lượng của Mỹ Latinh), thứ hai khu vực về tiềm năng thuỷ điện (sau Braxin), trữ lượng dầu lửa khoảng 3,1 tỷ thùng, có vàng, bạc,... Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, như cà phê (chiếm 16% xuất khẩu thế giới), hoa, thuốc lá, thịt bò, ngũ cốc, hoa quả... Tổng kim ngạch ngoại thương 2 chiều của Colombia với thế giới hàng năm đạt trên 120 tỷ USD, trong đó dung lượng thị trường nhập khẩu đạt trên 60 tỷ USD/ năm, vẫn còn nhiều cơ hội để hàng hóa Việt nam thâm nhập. Quy mô thị trường khá lớn, nhu cầu thị trường nội địa và hàng hóa nhập khẩu tăng không ngừng qua các năm.

Một số ngành công nghiệp của Colombia đang là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời có nhu cầu lớn về sản phẩm trung gian nguyên vật kiệu và thiết bị nhập khẩu để duy trì sản xuất như dệt may, chế biến thực phẩm, dầu khí, da giầy, đồ uống, hóa chất, xi măng, than đá, vàng và đá quý.

Khi thâm nhập vào thị trường Colombia, các doanh nghiệp nên lưu ý một số nét chính: Chọn đối tác giao dịch có đầy đủ danh tính và quá trình kinh doanh uy tín. Làm đủ thủ tục hợp đồng thương mại, lựa chọn phương thức thanh toán quốc tế an toàn cao, thông qua hệ thống ngân hàng lớn để bảo lãnh nguồn hàng và tiền cho các hợp đồng giao dịch.

Nguồn: agritrade.com.vn