Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga nếu cơ chế thanh toán không vững vàng, hợp đồng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm.

Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Công Tuấn, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu châu Âu trước tình hình đồng Rúp mất giá và tác động của nó tới ngoại thương hai nước Việt-Nga.

PV: - Nga vừa tuyên bố chặn được đà suy giảm của đồng Rúp bằng các biện pháp giải cứu khẩn cấp như bán dự trữ ngoại tệ, tăng lãi suất ngân hàng... Từ những biện pháp nói trên, có thể suy luận, đồng Rúp của Nga mất giá do nguyên nhân trực tiếp từ đâu: giá dầu giảm hay lệnh cấm vận của châu Âu khiến hàng hóa trên thị trường Nga khan hiếm? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS Đinh Công Tuấn: - Thời gian qua, đồng Rúp Nga bị mất giá nghiêm trọng. Nếu tính từ đầu năm 2014 đến thời điểm cách đây khoảng 1 tuần, đồng Rúp đã mất giá tới 60% giá  trị. Giai đoạn cao điểm, khoảng 81,5 Rúp đổi được 1 USD. Nhưng hiện nay đồng Rúp đã dần lấy lại vị thế của nó. Từ đầu tháng 12, hơn 50 Rúp đổi được 1 USD. 

Có nhiều nguyên nhân khiến đồng Rúp mất giá. Nguyên nhân bên ngoài là lệnh cấm vận Nga của Mỹ và phương Tây kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt: năng lượng (dầu khí), công nghiệp quốc phòng (vũ khí), hệ thống ngân hàng-tài chính. Ngoài ra, lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây. 

Về nguyên nhân bên trong, nền kinh tế Nga trong 3 nhiệm kỳ ông Putin làm tổng thống đã hồi phục và phát triển rất nhiều so với thời ông Yeltsin. Nga là một trong 10 nền kinh tế lớn trên thế giới, xuất nhập khẩu cao, đặc biệt có dự trữ ngoại tệ rất lớn. Cho đến trước khi xảy ra khủng hoảng đồng Rúp, dự trữ ngoại tệ của Nga vào khoảng 500 tỷ USD (có nguồn tin nói khoảng 420 tỷ USD). 

Bên cạnh những thành tựu đó, kinh tế Nga còn nhiều khiếm khuyết, đặc biệt phải dựa vào hai động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng là xuất khẩu dầu khí và xuất khẩu công nghiệp quốc phòng (đặc biệt là vũ khí).

Do sự cấm vận của Mỹ và phương Tây nên giá dầu lao dốc. Khi giá dầu thế giới ở mức 50-60 USD/thùng thì Nga không có lãi trong việc xuất khẩu dầu vì công nghệ khai thác dầu của Nga vẫn còn lạc hậu. Mátxcơva đặt kế hoạch, nếu giá dầu ở mức 100-120 USD/thùng thì tăng trưởng trong năm 2014 khoảng 2%. Nhưng giá dầu giảm xuống hơn 50 USD/thùng cho nên nguồn thu ngoại tệ từ việc xuất khẩu dầu của Nga gần như bằng 0.

Giá dầu hạ, các nước phương Tây cấm vận kinh tế, trong khi xuất khẩu dựa vào vũ khí và dầu khí cho nên động lực tăng trưởng kinh tế không còn. Trong khi đó, các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp tiêu dùng và nông nghiệp hầu như Nga phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. 

Những yếu tố trên khiến đồng Rúp bị mất giá tới 60% tính từ đầu năm đến giờ, thậm chí có lúc giảm kỷ lục 20% chỉ trong vòng 1 tuần. Ngoài ra, phải kể đến tình trạng giới đầu cơ về ngoại tệ ở Nga lợi dụng hoàn cảnh đục nước béo cò. 

Trước tình hình đó, chính quyền Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đã quyết tâm thực hiện cả biện pháp hành chính và các biện pháp kích thích kinh tế để ngăn chặn đà giảm giá của đồng Rúp. Nga đã phải bán ngoại tệ dự trữ cùng hàng nghìn tấn vàng để giải cứu đồng nội tệ, đồng thời kịp thời tăng lãi suất từ 10,5% lên 17% để làm yên lòng các nhà đầu tư gửi tiền ở ngân hàng, ngăn chặn hiện tượng domino hoảng loạn rút tiền khỏi ngân hàng. Nga bơm tiền cho các ngân hàng, kêu gọi lòng yêu nước của các nhà tỉ phú, các nhà đầu tư cũng như các ngân hàng bán ngoại tệ.

Với những biện pháp trên, cộng với việc thực hiện một chính sách nghiêm ngặt về tỷ giá cũng như chống đầu cơ, buôn lậu tiền và đổi ngoại tệ..., chỉ trong vòng khoảng 1 tuần, đến nay đồng Rúp đã tăng giá lên hơn 50 Rúp ăn 1 USD, tốt hơn rất nhiều trong giai đoạn 81,5 Rúp ăn 1 USD.

PV: - Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá Việt - Nga, liệu ông có thể phân tích việc đồng Rúp mất giá ảnh hưởng tới ngoại thương với Việt Nam ở mức độ như thế nào?

PGS.TS Đinh Công Tuấn: -  Tất cả các nước có quan hệ kinh tế, thương mại với Nga đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là những nước trong Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Dự kiến năm 2014, trị giá xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt gần 4 tỷ USD, do đó Việt Nam bị ảnh hưởng là điều chắc chắn. Vấn đề là ở mức độ như thế nào?

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga nếu cơ chế thanh toán không vững vàng, hợp đồng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm. Nói về thị trường Nga, rất nhiều tin nói rằng rào cản kỹ thuật của Nga lỏng lẻo hơn các nước phương Tây, nhưng có người nói lỏng lẻo như thế nhưng để thâm nhập vào thị trường Nga là rất khó. 

Khó khăn nhất trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung khi buôn bán với Nga là cơ chế thanh toán. Khi Việt Nam buôn bán với Trung Quốc hoặc với EU, Mỹ thì dùng ngoại tệ để thanh toán, nhưng với Nga, Việt Nam thường dùng đồng Rúp. Khi đồng Rúp mất giá tới 60%, riêng trong 1 tuần mất giá 20% thì làm sao có lãi?! Cơ chế thanh toán lại hết sức lỏng lẻo cho nên đây là điểm rất khó khăn.

Thứ nữa, hợp đồng thương mại giữa các đối tác với Nga chưa thật chuẩn như của phương Tây vì thị trường của Nga hết sức khó tính và tương đối thất thường. Do đó, các doanh nghiệp làm ăn lâu năm thường chọn cách hàng đổi hàng. 

Khi bán hàng mà phải đổi sang đồng Rúp trong lúc đồng tiền Nga đang mất giá như thế thì cần phải neo vào một đồng ngoại tệ nào đó nhưng liệu các doanh nghiệp Nga có chấp nhận? Rất khó vì ngay bản thân hàng Việt Nam sang Nga cũng chưa phải là hàng chuẩn hoá, chưa được quốc tế hoá cho lắm, hàm lượng kỹ thuật chưa cao. Đây chính điểm gây cản trở trong giai đoạn hiện nay.

Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam nào nắm được thị hiếu tiêu dùng cũng như các kênh phân phối, pháp luật của Nga có thể khắc phục một cách nhanh chóng. 

PV: - Tuy nhiên, để trả đũa lệnh cấm vận, chính phủ Nga đã cấm nhập nông sản và hàng tiêu dùng từ các thành viên EU. Có ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội để hàng hoá của Việt Nam góp mặt nhiều hơn trên các kệ hàng trong siêu thị Nga. Ông có đồng tình với quan điểm này và vì sao?

PGS.TS Đinh Công Tuấn: - Để hàng Việt Nam vào siêu thị Nga không phải đơn giản vì Nga có kênh phân phối riêng. Phải được kênh phân phối của Nga cho phép mới có thể đưa được hàng vào các hệ thống bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là có mặt trên các kệ hàng siêu thị của Nga. Về phía Nhà nước, phải có ký kết liên chính phủ giữa hai quốc gia, tiếp đó là các bộ ngành.

Điểm thuận lợi là Nga, Việt Nam đều tham gia WTO tức là hàng rào thuế quan dù sao cũng đã theo thông lệ quốc tế. Việt Nam lại vừa ký với Nga hiệp định FTA Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Nga đang chuyển hướng chiến lược sang các nước phương Đông, trong đó trọng tâm là Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN trong đó có Việt Nam. Đó là những điểm rất thuận lợi mà Việt Nam phải cố gắng tận dụng. Tuy nhiên, để vượt qua được rào cản, đòi hỏi sự năng động của các nhà xuất khẩu Việt Nam trong việc tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng cũng như kênh phân phối, luật pháp... của Nga.

PV: - Theo ông, hiện những mặt hàng nào của Việt Nam có thể vào thị trường Nga? Và nếu Việt Nam không nắm bắt được cơ hội này, nguyên nhân là vì sao?

PGS.TS Đinh Công Tuấn: - Như tôi nói ở trên, hoàn cảnh của Nga bây giờ vừa là cơ hội vừa là khó khăn của hàng hoá Việt Nam, nhưng cơ hội là chính. Để đạt được mục tiêu 10-12 tỷ USD thương mại phải đi đầu. Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu những thứ nước bạn đang cần như: điện thoại các loại & linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; hàng thủy sản, hàng dệt may; giầy dép các loại; hàng rau quả; cà phê, hạt điều và hạt tiêu. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ thị hiếu tiêu dùng của người Nga.

Về nhập khẩu, Việt Nam nhập các sản phẩm là thế mạnh của Nga và chúng ta đang rất cần. Đó là xăng dầu, phân bón, sắt thép & sản phẩm, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, hàng thủy sản, than đá, cao su, các sản phẩm từ dầu mỏ, phôi thép, sắt thép thành phẩm và phân bón. Trong giai đoạn tỷ giá đồng tiền không ổn định, áp dụng hàng đổi hàng thì các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga có thể thông qua các kênh phân phối của bạn đặt vấn đề nhập ngược lại những mặt hàng nói trên.

Đây là thời cơ rất lớn nhưng điểm yếu của Việt Nam hiện nay là chưa nắm hết được thị trường Nga, kênh phân phối, chưa nắm vững được cách thức làm ăn của Nga. Trong khi hàng hoá của Việt Nam chưa thật chuẩn, cung cách làm ăn chộp giật, ăn xổi ở thì, còn Nga lại bị kinh tế ngầm chi phối.

Do đó, để hai nước xích lại gần nhau đòi hỏi phải có sự chuẩn hoá bằng pháp luật, những hợp đồng vững vàng, sự hợp tác giữa hai bên từ chính phủ đến các bộ ngành. Trong giai đoạn chưa thật ổn định về tỷ giá giữa hai đồng tiền như hiện nay phải neo vào 1 đồng tiền quốc tế và cách truyền thống nên khai thác vào thởi điểm này là hàng đổi hàng.

Nguồn: baodatviet.vn