Giá rau quả tại siêu thị sẽ rẻ hơn, thu nhập của nông dân tăng lên khi sản phẩm của họ được phân phối trực tiếp đến các hệ thống siêu thị. Ước tính, việc giao thẳng nông sản cho siêu thị không qua thương lái sẽ giảm chi phí 20 - 30%.

Thực tế đã nhiều nông dân, hợp tác xã nông nghiệp đưa được nông sản vào siêu thị một cách dễ dàng.

Theo khảo sát của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), lượng rau củ quả tươi xuất khẩu khoảng 350 triệu USD mỗi năm. Trong khi chỉ riêng hai thị trường là TP HCM và Hà Nội, lượng tiêu thụ sản phẩm này đã đạt 400 triệu USD một năm. Tuy nhiên, trở ngại chính tại thị trường nội địa hiện nay là nông dân, hợp tác xã mới chỉ tự bán lẻ được 3% sản lượng làm ra, 7% qua các doanh nghiệp, công ty kinh doanh rau quả, còn lại khoảng 80 - 90% đã phải qua các khâu thương lái.

Vì lẽ đó, nông dân dường như đang đánh mất cơ hội, lợi ích của mình khi kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi đang có xu hướng thay thế dần các chợ truyền thống. Chính suy nghĩ cho rằng đây là những nơi “nông dân khó đặt chân vào” đã khiến cả người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng thiệt hại.

Trưởng Ban Kinh doanh hàng xuất khẩu hợp tác xã vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang), cho hay, trái vú sữa Lò Rèn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu đi tất cả các nước trên thế giới. Nhưng hợp tác xã mới chỉ có thể xuất khẩu được khoảng 20%, còn lại 80% là bán trôi nổi.

Các kênh phân phối bán lẻ hiện đại cũng như các siêu thị đều khẳng định sẵn sàng trở thành đầu mối trực tiếp tiêu thụ các loại nông sản cho nông dân. Giám đốc Kinh doanh của hệ thống siêu thị SaiGon Co.op, cho biết, thủ tục nhập hàng vào siêu thị hiện nay đã được đơn giản hóa nhiều.  Theo đó, các hộ sản xuất sẽ có người đại diện thực hiện việc chào hàng, giới thiệu sản phẩm, cung cấp chứng từ… Các tiêu chuẩn mà nhiều nông dân cho là khó thực ra chỉ là những quy định như dùng sọt nhựa (theo mẫu của siêu thị cung cấp) khi giao hàng, giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất an toàn, kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật….

Với cách làm này, đã có không ít nông dân, hợp tác xã trở thành bạn hàng với các siêu thị.  Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Phước, cho biết, nhiều hợp tác xã tại Bình Phước đã đưa được nông sản vào siêu thị mới mở (Co.op Mark Đồng Xoài) một cách dễ dàng, nhờ vậy lợi nhuận cao hơn ít nhất 10 - 15% so với hình thức bán qua thương lái. Việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với kênh phân phối không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho cả hai bên mà còn là cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng. Hiện chi phí cho khâu trung gian chiếm 20 - 30% giá các sản phẩm bán ra thị trường, giảm bớt khâu trung gian, nghĩa là sản phẩm được giảm 20 - 30% chi phí. Trong trường hợp này, người nông dân xứng đáng được hưởng ít nhất một nửa giá trị tăng thêm, phần còn lại có thể chia đôi cho nhà phân phối và người tiêu dùng. Có như vậy mới khuyến khích được sản xuất.

Nguồn: Internet