Ngày 28/5/2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Giới thiệu chung về vị trí và các lợi thế của tỉnh Lạng Sơn nói chung và Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đại diện tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: trong những năm qua, các hoạt động dịch vụ gắn với khu kinh tế cửa khẩu là thế mạnh của tỉnh. Các cửa khẩu Lạng Sơn đã phát huy được vai trò là trung tâm chuyển giao quan trọng trong quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Từ 2009, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt quy hoạch Khu trung chuyển hàng hóa thuộc 2 xã Thụy Hùng và Phú Xá, huyện Cao Lộc. Với tổng diện tích trên 143 ha, với hơn 80% diện tích là đồi. Khu này cách thành phố Lạng Sơn 10km, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cốc Nam 5km, cách cửa khẩu Bảo Lâm 15km, cách cửa khẩu Tân Thanh 16km, cách ga quốc tế Đồng Đăng 2km và cách Chi ma 50km.
Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, năm 2010, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng các kế hoạch thành lập Khu trung chuyển hàng hóa. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng Công ty xây dựng và phát triển đô thị (gọi là IDICO, là một trong năm Tổng Công ty lớn của Bộ Xây Dựng) là nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện, Tổng Công ty đã tiến hành giải phóng mặt bằng và bước đầu khởi công song do nhiều lí do, một thời gian sau Tổng Công ty đã rút khỏi Dự án.
Theo Quyết định số 1682/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (giai đoạn 1), hiện Chủ đầu tư của Dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với tổng mức đầu tư là 986 tỷ đồng.
Theo khẳng định của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, thực tế, trong những năm qua, mật độ hàng hóa đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn, bình quân 1200 xe/ngày. Sau khi hoàn thiện và đi vào sử dụng, Khu trung chuyển hàng hóa sẽ giải quyết một cách hiệu quả tình trạng ách tắc hàng hóa như hiện nay, đồng thời giúp thương nhân Trung Quốc có thể trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi thị trường và ngược lại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo, tại buổi làm việc, các Cục, Vụ liên quan cần đánh giá cụ thể vai trò của các cửa khẩu cũng như Khu trung chuyển hàng hóa, từ đó đưa ra giải pháp để hỗ trợ địa phương một cách tốt nhất.
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với công năng như một Khu trung chuyển hàng hóa, nhưng nếu theo xây dựng dưới hình thức khu phi thuế quan thì sẽ rất thuận lợi. Ưu việt của khu phi thuế quan là có kho, bãi, có khu kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đặc biệt, hàng hóa đưa vào đó không hạn chế thời gian.Trong khu phi thuế quan cũng có thể tổ chức hội chợ, triển lãm, đóng gói, phân loại, bảo quản hàng hóa, rất thuận tiện.
Ông Phan Văn Chinh cũng nhấn mạnh, cần có lộ trình cụ thể trong triển khai thực hiện Đề án. Cục Xuất nhập khẩu sẵn sàng phối hợp để thực hiện Đề án này bởi Khu trung chuyển hàng hóa vừa mang tính hiện đại vừa giải quyết một cách lâu dài vấn đề vô cùng nan giải hiện nay là ách tắc hàng hóa.
Là người nhiều lần trực tiếp đến làm việc tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, lượng hàng hóa, nông sản đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn. Gần 100% dưa hấu và khoảng 2/3 lượng vải xuất khẩu chủ yếu được vận chuyển qua các cửa khẩu của Lạng Sơn. Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, Vụ Thị trường trong nước khi tham mưu với Chính phủ sẽ chú trọng đến việc nâng cao năng lực của các cửa khẩu Lạng Sơn, cụ thể là hạ tầng thương mại và logistic. Về ưu điểm của Khu trung chuyển hàng hóa, bà Lê Việt Nga cũng khẳng định đây là khu vực có vai trò không chỉ trong việc giải quyết ách tắc hàng hóa của các nước ASEAN, mà còn là khu vực để đóng gói, bảo quản và đặc biệt là đàm phán giá rất tốt.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng thống nhất cho rằng việc đầu tư phát triển Khu trung chuyển hoàn toàn phù hợp với quá trình hội nhập của Việt Nam và đề xuất tỉnh Lạng Sơn cần có một Đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ về những cơ chế, chính sách cần hỗ trợ.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhất trí với ý kiến của đại diện các Cục, Vụ trong việc thành lập Khu trung chuyển hàng hóa đầu tiên của Việt Nam tại Lạng Sơn, đồng thời chia sẻ những băn khoăn về hình thức, cơ chế hoạt động để Khu trung chuyển sớm được triển khai hiệu quả. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu thấy rõ tác dụng của Khu trung chuyển hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn nên tính các phương án điều chỉnh Đề án bằng cách giảm bớt quy mô đầu tư, lộ trình, giảm kinh phí, nguồn lực để các nhà đầu tư có thêm cơ hội tham gia.
Thứ trưởng khẳng định, trước tiên Lạng Sơn phải là đơn vị đi đầu thể hiện quyết tâm cao trong việc hình thành Khu trung chuyển hàng hóa. Các Bộ, ngành chủ yếu phối hợp về mặt chính sách. Bộ Công Thương sẽ sớm có Đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả, hỗ trợ địa phương một cách tốt nhất.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, về phía Bộ, giao Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Vụ Thị trường Châu Á, Thái Bình Dương, Vụ Kế hoạch, v.v… Về phía tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng đề xuất Sở Công Thương sẽ là đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương để quá trình triển khai diễn ra nhịp nhàng.
Đại diện Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cảm ơn sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và cho biết, từ năm 2014, lãnh đạo tỉnh đã đặt quyết tâm cao, dù không có nhà đầu tư, tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của đông đảo các Bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp và người dân để trong thời gian tới, Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn sớm hoàn thành, đi vào hoạt động, góp phần to lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thị trường trong nước cũng như xuất nhập khẩu và kết nối giao thương với Trung Quốc cũng như các nước ASEAN.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)