Mẫu mã sản phẩm lạc hậu so với nhu cầu thị trường, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu sản phẩm của các làng nghề ngày một chậm lại và thị trường bị co hẹp.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 5.096 làng nghề, trong đó 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề có lịch sử lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước với các sản phẩm xuất khẩu như: Lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu…Tuy nhiên, không ít làng nghề từng tham gia xuất khẩu rất mạnh, nhưng nay đang giảm dần và đứng trước nguy cơ mai một hoặc “thoi thóp”, hoặc phải dừng sản xuất.
Với kinh nghiệm 26 năm chèo lái doanh nghiệp, vượt qua bao thăng trầm của nền kinh tế thị trường, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh (làng nghề Đông Triều, Quảng Ninh) cho rằng, Làng nghề Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc sắc có lịch sử tới hàng trăm năm; nhưng nếu các làng nghề không chủ động thay đổi sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì mai một sẽ là kết quả khó tránh khỏi.
Thời kỳ bao cấp, các làng nghề sản xuất và xuất khẩu theo Nghị định thư của Chính phủ không phải lo đầu ra, không cần nghiên cứu thị trường. Đến cuối thập kỷ 80, Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường, các làng nghề dần rơi vào khó khăn do không có đơn hàng. Nguyên nhân là do sản phẩm làng nghề của chúng ta chậm cải tiến, nhiều sản phẩm lạc hậu so với thị trường. Các làng nghề mới cung cấp ra thị trường sản phẩm mình có và chưa cung cấp sản phẩm thị trường cần. Vì vậy, thay đổi mẫu mã, đầu tư thiết kế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là thiết yếu, giúp sản phẩm làng nghề đứng vững trên thị trường.
Bài học từ Quang Vinh cho thấy, nhờ có sự đầu tư cho người lao động sang Trung Quốc học nghề về kỹ thuật sản xuất gốm sứ, sang Anh học phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất gốm siêu mỏng, siêu nhẹ nên sản phẩm của Quang Vinh làm ra được thị trường chấp nhận. Vì vậy, hiệu quả trong sản xuất và doanh thu của doanh nghiệp tăng rõ rệt. Từ năm 2013 đến nay, doanh thu của Quang Vinh tăng liên tục trên 20% mỗi năm và chi phí nguyên liệu, nhiên liệu giảm 30% và 25%.
Để thúc đẩy xuất khẩu - doanh nghiệp làng nghề cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong đào tạo lao động và vốn vay không tính lãi, đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và xây dựng chương trình mỗi làng một sản phẩm, tạo thành phong trào nhằm chuyên biệt hóa sản phẩm.
Chia sẻ về lần đầu tiên tham gia Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại thành phố Florence, Italy đầu tháng 5 vừa qua, chủ Cơ sở sản xuất Phong Thư Silk (làng nghề Vạn Phúc, Hà Nội) - cho hay, chúng tôi mang đến hội chợ những sản phẩm đặc sắc nhất của cơ sở như: Áo dài, khăn lụa, ví… nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.
Bà Thư lý giải rằng: Chúng tôi mang sản phẩm chúng tôi có, chứ chưa tìm hiểu kỹ thị trường, trong khi nền kinh tế châu Âu còn yếu, người tiêu dùng mua sắm rất ít. Vì vậy, những sản phẩm nhỏ, có giá trị thấp từ 3-5 euro bán khá dễ dàng, sản phẩm có giá trị từ 10 euro trở lên rất khó bán. Đây cũng là bài học kinh nghiệm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ tiếp theo.
Như vậy, từ kinh nghiệm thực tế trên cho chúng ta thấy, mẫu mã sản phẩm lạc hậu, không theo kịp xu hướng và không nghiên cứu về nhu cầu thị trường là nguyên nhân khiến xuất khẩu sản phẩm tại nhiều làng nghề ngày một co hẹp. Đầu tư cho thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường là điều kiện quan trọng hàng đầu giúp làng nghề thúc đẩy xuất khẩu.
Nguồn: Báo Công thương điện tử