(VINANET) - Tình trạng đầu tư tràn lan trong ngành thép làm công suất của nhiều loại như phôi, thép xây dựng, thép tấm cán nguội, ống thép, tôn mạ và sơn phủ màu đến nay đã vượt nhu cầu từ 1,5 đến 2 lần, kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Trước tình hình khó khăn chung của thị trường trong nước hiện nay, xuất khẩu là giải pháp hữu hiệu cho ngành thép. Theo phản ánh của các DN sản xuất thép, nhờ khai thác tốt thị trường xuất khẩu, các DN đã duy trì hoạt động, giảm bớt lượng hàng tồn kho.

Để giải phóng hàng tồn kho, các DN sản xuất thép đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy thép lớn trong nước đã đưa các dây chuyền mới vào hoạt động khiến nguồn cung trong nước tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu thép tiêu thụ trong nước giảm do đầu tư xây dựng giảm, sự phát triển chậm của thị trường những ngành sử dụng nhiều thép như xây dựng và ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu... Điều này dẫn đến sức tiêu thụ thép giảm mạnh trong thời gian qua. Để kích cầu tiêu dùng, một số DN đã phải chiết khấu cao, hoặc giảm giá bán.

Trong bối cảnh thị trường nội địa trầm lắng và công suất sản xuất thép vượt xa nhu cầu tiêu thụ, các DN thép đã nỗ lực tìm kiếm thị trường để tạo đầu ra cho ngành thép và tìm hướng xuất khẩu là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.

Được biết 11 tháng năm 2014, xuất khẩu thép các loại của cả nước đã tăng cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2013, tăng lần lượt 31,35% và tăng 23,71%, tính riêng tháng 11/2014, xuất khẩu mặt hàng sắt thép lại giảm so với tháng 10, giảm 4,4% về lượng và giảm 4,5% về trị giá.

Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang 25 thị trường trên thế giới, trong đó Cămpuchia là thị trường xuất khẩu chính, đạt 657 nghìn tấn, trị giá 431,7 triệu USD, tăng 22,77% về lượng và tăng 18,10% về trị giá so với 11 tháng 2013.  Kế đến là thị trường Indonesia, đạt 375,5 nghìn tấn, trị giá 304,6 triệu USD, tăng 25,17% về lượng và tăng 19,39%...

Nhìn chung, trong 11 tháng 2014, xuất khẩu sắt thép sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng, đặc biệt xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Braxin có tốc độ tăng vượt trội, tăng 33534,15% về lượng và tăng 21676,93% về trị giá, tương đương với 13,7 nghìn tấn, trị giá 8,3 triệu USD.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu sắt thép 11 tháng 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ từ TCHQ)

Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới, năm 2015, dự báo nhu cầu tiêu thụ thép thế giới sẽ tăng khoảng 2%, đạt 1.594 triệu tấn.

Nắm bắt nhu cầu này, ngay khi đi vào hoạt động, các DN sản xuất thép đã xây dựng chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ và giảm bớt hàng tồn kho. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu, các DN thép phải chú trọng đầu tư kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN thép trong nước phải nỗ lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của mình tại các thị trường mới như Mỹ, châu Phi, Trung Đông... Các DN sản xuất thép cũng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các DN, cơ quan nhà nước, cần có chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn: Thống kê Hải quan, Báo Bảo vệ pháp luật

Nguồn: Vinanet