Hai nước đã ký Hiệp định thương mại tháng 4/2000, thỏa thuận dành cho nhau quy chế tối huệ quốc (MFN) trong buôn bán hai chiều.
Tháng 11/2004, nhân chuyến thăm chính thức Nam Phi của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai nước đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác vì hợp tác và phát triển, Hiệp định về thành lập Diễn đàn đối tác liên chính phủ về Hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kĩ thuật và văn hoá; Thoả thuận thành lập Uỷ ban thương mại hỗn hợp; Thoả thuận về hợp tác giữa phòng công nghiệp và thương mại của 2 nước.
Từ ngày 23 – 25/5/2007, Tổng thống Thabo Mbeki thăm chính thức Việt Nam. Hai bên đã ký "Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hoà Nam Phi", "Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ", "Hiệp định hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nam Phi", "Biên bản phiên họp thứ nhất Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi".
Ngày 05/6/2008, Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Thương mại hỗn hợp giữa hai nước đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Công Thương Lê Dương Quang và Thứ trưởng Công Thương Nam Phi.
Về thương mại, hiện nay Nam Phi là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi. Kim ngạch xuất khẩu tới thị trường này đã liên tục tăng lên trong các năm gần đây, từ mức 15,5 triệu USD năm 2002 lên 22,66 triệu USD năm 2003 và tăng mạnh lên gần 141,2 triệu USD trong năm 2008 (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu tới Châu Phi)
 Nhập khẩu từ Nam Phi cũng tăng lên, tuy tốc độ tăng không cao bằng xuât khẩu. Tới năm 2004, Việt nam vẫn còn nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nam Phi, nhưng đến năm 2005 đã có xuất siêu, mức thặng dư gần 4 triệu USD. Năm 2008, nhập khẩu đạt hơn khoảng 137 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Nam Phi trong năm 2008 gồm: giầy dép các loại (33 triệu USD), sản phẩm đá quý và kim loại quý ( 20,3 triệu USD), cà phê (13,5 triệu USD),gạo (13 triệu USD), sản phẩm dệt may (12,7 triệu USD), và máy vi tính và linh kiện (4,8 triệu USD).
Kim ngạch XNK Việt Nam – Nam Phi qua các năm
 
Năm
Kim ngạch xuất khẩu (USD)
Kim ngạch nhập khẩu (USD)
2005
111.778.157
108.041.005
2006
100.713.846
54.012.679
2007
115.616.903
73.222.692
2008
146.431.855
137.297.170
 
 Năm 2008, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Nam Phi gồm sắt thép phế liệu (34 triệu USD), các loại sắt thép khác (15,5 triệu USD), vàng (10 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (7,4 triệu USD), sợi các loại (5,1 triệu USD)…
Như vậy có thể thấy từ năm 2006, xuất khẩu vào Nam Phi không tăng mạnh mà chỉ duy trì ở mức trên 20%/năm. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng không có nhiều mặt hàng mới, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là những sản phẩm truyền thống như giày dép, sản phẩm dệt may, gạo...
Về hợp tác công nghiệp, nhìn chung quan hệ hợp tác hai bên chưa có nhiều. Doanh nghiệp hai nước đã có những ý tưởng thể hiện sự quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực này nhưng còn đang trong giai đoạn tìm hiểu, chưa có những bước đi cụ thể. Những ngành sản xuất cụ thể có nhiều triển vọng và tiềm năng hợp tác là khai thác mỏ, chế biến sắt thép, công nghệ khai khoáng, khai thác gỗ và chế biến bột giấy. Ngoài ra,  phía Việt Nam có thể xem xét hợp tác với Nam Phi trong các linh vực như công nghiệp nhiệt điện, chế tạo và lắp ráp xe hơi, chế biến thực phẩm, rượu vang của Nam Phi và đặc biệt là hóa chất với công nghệ hoá dầu từ than đá.
Quan hệ trên các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư giữa hai nước còn ở mức độ thấp so với tiềm năng của mỗi bên. Nước ta đã lập quan hệ đại lý với một số ngân hàng của Nam Phi.
Về du lịch, Nam Phi là nước có số du khách đến Việt Nam đông nhất so với các nước Châu Phi khác. Hiện nay, nước ta và Nam Phi đang triển khai một số hoạt động hợp tác về du lịch và xúc tiến thương mại ở cấp độ thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và cấp cơ quan quản lý thương mại địa phương. Quan hệ hợp tác song phương về sở hữu trí tuệ chưa được thiết lập. Nước ta và Nam Phi đều là thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), cùng ký kết Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và Hiệp ước hợp tác sáng chế.
(Bộ Công Thương)

Nguồn: Vinanet