Khai thác gỗ bất hợp pháp tàn phá tài nguyên, ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội và làm thất thu ngân sách khoảng 10 tỷ USD một năm. Tháng 5/2003, EU đưa ra dự thảo đầu tiên về chương trình hành động FLEGT (Thi hành Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại). Tháng 12/2005, EC thông qua Quy định 2173/2005 về hệ thống cấp phép của FLEGT và yêu cầu bắt buộc cho thương thoả với đối tác. Để thực hiện các quy định tháng 10/2008, EC đã ban hành Quy định số 1024/2008 về việc thực hiện hệ thống cấp phép nhập khẩu gỗ vào thị trường EU.

Kể từ khi triển khai từ cuối năm 2003 đến nay, EU đã trải qua đàm phán với rất nhiều quốc gia đối tác trên thế giới và chia các nước này ra thành 3 nhóm:

(1). Nhóm các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu

(2). Nhóm các nước vừa xuất khẩu gỗ nguyên liệu vừa sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu

(3). Nhóm các nước chủ yếu nhập khẩu gỗ nguyên liệu để chế biến gỗ xuất khẩu.

EU đưa Việt Nam vào nhóm nước thứ 3. Hiện tại, EU đang tiến hành nghiên cứu về tình trạng sản xuất, nhập khẩu và chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam để chuẩn bị tiến hành đàm phán với Việt Nam. Vụ Thị trường Châu Âu, vụ Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan của bộ Công Thương đang làm việc với tổ công tác FLEGT của EU về vấn đề này.

EU hiện nay đã ký kết VPA với Công-gô,Ghana, Camơrun và đang tiến hành đàm phán với một số quốc gia như Malaysia, Indonesia... Tuy nhiên theo tổ công tác này thì đúng là không dễ dàng để thực hiện.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, FLEGT sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. EU là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam. Hiện nay, ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có đến 80% nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ nước ngoài và vấn đề kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu gỗ là vấn đề hết sức phức tạp.Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ từ một số nước như Cămpuchia, Malaysia... Trong đó,có một số nước có cấp chứng chỉ FSC (Hội đồng Quản lý Rừng quốc tế) - chứng chỉ hiện nay Việt Nam đang tuân thủ áp dụng nhưng có một số nước không cấpchứng chỉ này mà lại sử dụng giấy phép do chính phủ cấp như trường hợp của Cămpuchia. Chính phủ Cămpuchia sẽ gửi giấy thông báo các doanh nghiệp Cămpuchia được phép xuất khẩu gỗ trực tiếp tới Bộ Công Thương Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam chỉ được phép nhập khẩu gỗ từ các doanh nghiệp đó.Ngoài ra sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể vừa sử dụng gỗ nhập khẩu vừa sử dụng gỗ khai thác trong nước. Do đó để thực hiện được quy định của FLEGT sẽ hết sức phức tạp và cần phải có một lộ trình cho việc thực thi đạo luật này.

Ngày 19/8/2009, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã có buổi tiếp và làm việc với tổ công tác về Kế hoạch Hành động của Liên minh châu Âu (EU) về Thi hành Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (FLEGT).

Theo tổ công tác FLEGT tại Việt Nam, đạo luật FLEGT đang được thảo luận và có thể sẽ được đưa ra vào cuối năm 2010 và đi vào thực thi đầu năm 2011. FLEGT sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm sản xuất tại EU hoặc nhập khẩutừ các nước ngoài EU và các nhà nhập khẩu, bán lẻ phải tuân thủ theo đạo luật này. Do đó, mặc dù mang tính tự nguyện nhưng nếu không có chứng nhận FLEGT thì khi đạo luật này đi vào thực tiễn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể xuất khẩu vào thị trường EU.  Các quy định về chứng nhận FLEGT tại mỗi quốc gia đối tác sẽ khác nhau phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của nước đó, nguyên liệu gỗ thế nào được coi là hợp pháp sẽ phụ thuộc vào việc đàm phán và phía nào cấp chứng nhận cũng phụ thuộc vào thoả thuận của hai bên.

FLEGT và FSC sẽ tồn tại song song với nhau. FSC yêu cầu các quy định liên quan đến tính bền vững như mức độ tái tạo cánh rừng được sử dụng để khai thác gỗ còn FLEGT chủ yếu qui định các thông tin liên quan đến nguồn gốc gỗ và tính hợp pháp của loại gỗ đó. Nhiều người cho rằng  đây là một trong những rào cản thương mại “trá hình” mà EU đặt ra nhằm cản trở các nước xuất khẩu. Song EU lại cho rằng các quy định này chỉ đảm bảo tính hợp lệ của nguồn gốc gỗ khai thác và nhập khẩu và EU cũng cam kết sẽ có những hỗ trợ cho các nước xuất khẩu trong quá trình thực thi VPA.

Tuy nhiên, dù sao đi nữa đạo luật này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường EU. Năm 2008, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU đã giảm 34% so với năm trước, trong khi mức độ giảm xuất khẩu gỗ của Việt Nam nói chung chỉ là 17%. 7 tháng đầu năm 2009, EU vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam sau thị trường Mỹ , với kim ngạch 283 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2008. Phần lớn sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang khối EU là sản phẩm gỗ ngoài trời như bàn ghế khung gỗ, xích đu, ô dù… nhu cầu loại sản phẩm này chịu tác động mạnh khủng hoảng kinh tế do người tiêu dùng sẽ phải ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu hơn so với những sản phẩm mang tính giải trí. Vì vậy, đây cũng là thị trường xuất khẩu có mức suy giảm mạnh nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam trong đợt khủng hoảng này.

Nguồn: Vinanet