Buổi tọa đàm này nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách, các hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan hiểu đầy đủ về các chính sách thương mại quốc tế mới của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Obama. Sự thay đổi của chính sách này ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ thương mại Việt - Mỹ nói chung và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, những vấn đề cần lưu ý với doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam... Theo phân tích của đại diện Miller & Chevalier và đại diện VCCI, nhìn chung, trong bối cách khủng hoảng tài chính - tiền tệ của Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, chính quyền Obama cũng như Quốc hội Mỹ sẽ ít chú trọng đến các hoạt động tăng cường giao thương quốc tế chẳng hạn như việc khởi động và tiến hành các hoạt động đàm phán về tự do thương mại… để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng đang hoành hành nền kinh tế Mỹ cũng như những hệ lụy mà cuộc khủng hoảng đã, đang và sẽ gây ra.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nhà nước Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn xếp các hoạt động thương mại quốc tế sang một bên. Quốc hội Mỹ và chính quyền của ông Obama vẫn sẽ có quan tâm nhất định đối với các vấn đề thương mại quốc tế song thiên về hướng “soi” lại những vấn đề gây bất lợi cho Mỹ. Theo đánh giá của Miller & Chevalier, Mỹ sẽ “săm soi” các hàng hóa nhập khẩu trong thời gian tới. Tuy vậy, “tầm ngắm” của chính quyền Mỹ sẽ là những đối thủ sừng sỏ như Trung Quốc. Mỹ sẽ đặt lên bàn làm việc hồ sơ về hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia này. Việt Nam sẽ chỉ được nhắc đến với tư cách liên đới do có cơ cấu hàng xuất khẩu tương tự Trung Quốc. So với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là không đáng kể.

Sau khi phân tích những ưu tiên trong chính sách thương mại của Chính quyền Obama trong thời gian tới, Miller & Chevalier đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam dựa trên phương châm tận dụng “khe cửa hẹp”. Theo đó, Việt Nam nên tập trung vào các vấn đề chính gồm: Khả năng đáp ứng đủ tiêu chí hưởng Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP); Các đàm phán liên quan đến Hiệp định đầu tư song phương; Các đàm phán về mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương; Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) và quy chế “nền kinh tế thị trường”.
 

Nguồn: Vinanet