Phần "Ưu tiên trong chính sách thương mại trong năm 2009" viết: "Chúng ta sẽ tiếp tục cam kết đối với hệ thống nguyên tắc thương mại đa phương và giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). WTO là nơi đảm bảo tự do hóa đa phương thông qua đàm phán và cũng là nơi bảo vệ chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích người dân Mỹ theo hệ thống thương mại dựa trên nguyên tắc này. Một thỏa thuận mạnh mẽ và mở cửa thị trường cho cả hàng hóa và dịch vụ trong các thương lượng Vòng đàm phán Đôha của WTO có thể đóng góp quan trọng vào giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây là một phần trong những nỗ lực để giành lại vai trò thương mại trong sự phát triển kinh tế hàng đầu. Chính quyền cam kết làm việc với các đối tác thương mại để đạt được kết quả đó. Tuy nhiên cũng cần phải điều chỉnh sự mất cân bằng trong các thương lượng hiện nay, trong khi sự linh động lớn mà Mỹ áp dụng với các nước khác lại không đem lại những cơ hội mới rõ ràng cho công nhân, nông dân, các nhà chăn nuôi gia súc và các doanh nghiệp Mỹ".
Để đảm bảo thương mại là một công cụ chính sách quan trọng nhằm đạt được tiến bộ về năng lượng và môi trường, chương trình viết: "Chúng ta phải xây dựng các cuộc thương lượng về dịch vụ và hàng hóa mang tính chất bảo vệ môi trường, bắt đầu từ Vòng Đàm phán Đôha tại diễn đàn của WTO hoặc diễn đàn thương lượng khác. Chúng ta phải đảm bảo các khuôn khổ của chính sách thương mại và giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu có thể bổ sung cho nhau, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững. Các chính sách liên quan tới khí hậu phải phù hợp với nghĩa vụ thương mại của nước Mỹ, nhưng cũng phải sáng tạo và kiên định trong việc đảm bảo các nguyên tắc thương mại không gây cản trở trong việc giải quyết nhiệm vụ then chốt liên quan tới môi trường. Chúng ta sẽ cố gắng mở cửa thị trường và đảm bảo đối xử công bằng cho các dịch vụ của Mỹ. Đây là một phần ngày càng quan trọng trong chiến lược thương mại. Chúng ta sẽ bảo hộ các công trình sáng tạo của Mỹ bằng cách thương lượng và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả và mạnh mẽ, thực thi tiến bộ trong tạo thuận lợi cho thương mại và an toàn sản phẩm tiêu dùng thông qua các thương lượng đa phương, nếu phù hợp, cũng như làm việc với các đối tác thương mại trong xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh đi kèm thương mại để hạn chế thấp nhất sự cản trở thương mại."
Đối với việc tăng cường các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) và Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT), chương trình viết: "Chúng ta sẽ giải quyết ngay lập tức nhưng có trách nhiệm các vấn đề xung quanh Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với Côlômbia, Hàn Quốc và Panama. Chúng ta cũng sẽ xem xét việc thực hiện FTA và BIT để đảm bảo các hiệp định đó phát triển được lợi ích công cộng. Chúng ta cũng sẽ làm việc với Canađa và Mêhicô để xác định cách thức, theo đó Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) có thể được cải thiện mà không gây ảnh hưởng bất lợi đối với thương mại, đồng thời xem xét các đề nghị ký các hiệp định khu vực và song phương mới nếu những hiệp định này có thể đem lại lợi ích quan trọng và phù hợp với chính sách kinh tế quốc gia."
Liên quan tới kế hoạch tăng cường cam kết của Mỹ như một đối tác mạnh của các nước đang phát triển, đặc biệt các nước nghèo nhất, chương trình nghị sự viết: "Chúng ta sẽ tăng cường các chính sách thương mại, kể cả hỗ trợ kỹ thuật, cũng như các chương trình ưu tiên thương mại, để nâng cao năng lực, nhằm giúp các nước này tham gia thành công vào kinh tế thế giới. Nhiều chương trình ưu tiên thương mại sẽ được xây dựng đúng thời hạn để quốc hội xem xét. Chúng ta sẽ làm việc với Quốc hội và các nhà đầu tư công chúng về các chương trình đổi mới của họ. Chúng ta sẽ xem xét cẩn trọng các đề nghị tập trung trợ giúp có hiệu quả hơn vào các nước nghèo nhất và các đề nghị ưu tiên trong cạnh tranh. Ngoài những ưu tiên, việc xây dựng năng lực thương mại tại các nước đang phát triển sẽ giúp các nước này gặt hái được lợi ích của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, chúng ta sẽ làm việc với các định chế tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng xuất khẩu để đảm bảo cung cấp đủ tài chính thương mại, đặc biệt cho các nhà xuất khẩu quy mô nhỏ và vừa."

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam