Nhiều tiềm năng hợp tác
Phát biểu tại phiên hội nghị toàn thể, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm tới việc hợp tác kinh doanh và đầu tư với doanh nghiệp tại Bangladesh, một điểm đến quan trọng tại Nam Á để cùng khai thác những tiềm năng còn bỏ ngỏ của hai bên.
Theo bà Bùi Thị Thanh An, hợp tác thương mại Việt Nam – Bangladesh còn rất nhiều dư địa phát triển. Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang Bangladesh clinker và xi măng, hàng dệt, may, xơ, sợi dệt, điện thoại các loại và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Bangladesh một số mặt hàng như: phế liệu sắt thép, dược phẩm, nguyên phụ liệu thuốc lá, xơ, sợi dệt các loại…
Bà Bùi Thanh An cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp hai nước cần tăng cường trao đổi thông tin thị trường và các cơ hội hợp tác kinh doanh để phát triển hơn nữa danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai bên.
Ngoài những mặt hàng giao dịch truyền thống với Bangladesh, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẵn sàng cung cấp cho Bangladesh đa dạng các mặt hàng khác trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng. Việt Nam cũng đang nổi lên với vị thế quốc gia cung cấp rất nhiều sản phẩm này với chất lượng cao và an toàn cho thị trường quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh, ông Phạm Việt Chiến, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bangladesh cho rằng, hai nước vẫn còn nhiều khả năng để tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư.
Phân tích cụ thể hơn những tiềm năng này, ông N K A Mobin FCA, FCS, Quyền Chủ tịch DCCI cho biết, hai nước đã đạt được những bước tiến dài theo hướng hiện đại hóa kinh tế để trở thành nước sản xuất và điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn. Nền kinh tế của Việt Nam và Bangladesh tiếp tục thể hiện sức mạnh cơ bản, khả năng phục hồi, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước mạnh mẽ, tăng trưởng sản xuất đa dạng theo hướng xuất khẩu.
Ông S.M. Rahman, Chủ tịch BVCCI cũng cho rằng, cả Bangladesh và Việt Nam đều đang trên đà mở rộng kinh tế hơn nữa về xuất nhập khẩu, đầu tư và hội nhập kinh tế. Mối quan tâm chung này giữa Bangladesh và Việt Nam sẽ tạo ra các mối quan hệ kinh tế song phương chặt chẽ hơn.
Thúc đẩy hợp tác thương mại song phương
Để phát triển hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Bangladesh, ông S.M. Rahman cho rằng, cần tăng cường trao đổi các phái đoàn thương mại và tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại của cả hai nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào các Khu kinh tế đặc biệt và Khu công nghệ cao trên khắp đất nước Bangladesh để hưởng những gói ưu đãi hấp dẫn mà Bangladesh cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng quan điểm của ông SM. Rahman, ông N K A Mobin FCA, FCS cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và các bên liên quan của cả hai quốc gia để mở rộng quy mô thương mại song phương theo khuôn khổ đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào trung tâm sản xuất của Bangladesh dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh trong những lĩnh vực có triển vọng như: dệt may, chế biến nông sản, sản phẩm tiêu dùng, du lịch…
Ông N K A Mobin FCA, FCS nhấn mạnh, hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp hai nước lần này kéo dài 3 ngày là minh chứng cho nỗ lực và sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của khu vực tư nhân Bangladesh và Việt Nam nhằm biến các cơ hội của hai bên thành hiện thực thông qua thương mại và đầu tư song phương.
Ông Phạm Việt Chiến cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tăng cường hơn nữa sự tham gia, chia sẻ thông tin và kết nối thị trường, cũng như đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu mà mỗi bên có thế mạnh. Đồng thời ông Chiến cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và bản thân Đại sứ sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ và hợp tác với Cục XTTM, DCCI, BVCCI cũng như tất cả các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh, bất cứ lúc nào có thể, để cùng nhau thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Về phần mình, bà Bùi Thị Thanh An kỳ vọng, hội nghị giao thương lần này sẽ là một trong những sự kiện quan trọng mở ra những kết nối giá trị cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Bangladesh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương hai nước sẽ đạt mốc 2 tỷ USD trong thời gian tới như được đề xuất tại kỳ họp lần thứ 2 Tiểu ban thương mại Việt Nam - Bangladesh do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh Jafar Uddin đồng chủ trì hôi tháng 12/2020 ở Hà Nội.
Bà Bùi Thị Thanh An cũng cam kết, Cục XTTM sẽ luôn nỗ lực phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, các cơ quan, tổ chức liên quan khác tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hợp tác kinh doanh, trao đổi hàng hóa thông qua đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến và cả trực tiếp trong tương lai sau khi dịch Covid-19 qua đi như: tổ chức các chương trình giao thương, đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm tại thị trường của nhau, các đoàn giao dịch thương mại, cung cấp thông tin thị trường và đối tác kinh doanh…
Sau phiên hội nghị toàn thể, 50 doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Bangladesh bước vào các phiên giao thương 1:1 để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.
Các phiên giao thương sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 23/12/2020.
Cục Xúc tiến thương mại

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương