Trong khuôn khổ thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trong 6 năm qua, Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đã phê duyệt các Hiệp hội (Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Phát triển hàng tiêu dùng, Các nhà Bán lẻ Việt Nam, Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Nữ Doanh nhân Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam...) và các địa phương là các Sở Công Thương: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Sơn La,... tổ chức trên 70 Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa.
Các Hội nghị kết nối cung cầu đã đem lại kết quả khả quan, thu hút được hàng nghìn đại biểu đến từ các tỉnh, thành trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và đã có nhiều biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc kết nối cung cấp sản phẩm, hợp tác giao thương được ký kết giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Trong đó, 2 địa phương có kết quả nổi bật nhất có thể kể đến là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chính Minh đã mở rộng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các địa phương trên cả nước, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và các tỉnh bạn, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...
Lũy kế đến nay, có 2.283 hợp đồng đã được ký kết; riêng hội nghị kết nối cung cầu năm 2018 đã kết nối thành công 397 hợp đồng.
Còn tại Hà Nội, những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công 4 Hội nghị giao thương, kết nối cung- cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố từ năm 2016- 2019, sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp của khoảng 50 tỉnh, thành phố tham dự; Tổ chức trên 30 đoàn cán bộ, doanh nghiệp thực hiện Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, An Giang, Cà Mau…
Mời doanh nghiệp Hà Nội tham gia trên 50 hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung- cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Nam Định, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang…;
Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức khoảng 30 tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội và các kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; Thông tin, hỗ trợ 250 lượt doanh nghiệp Hà Nội đăng ký tham gia Hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước;
Hỗ trợ sản phẩm các địa phương quảng bá, giới thiệu trên 3.000 sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn của thành phố Hà Nội…; tạo điều kiện để sản phẩm của 28 tỉnh, thành phố tham gia quảng bá tại các kênh phân phối nước ngoài (Aeon- Nhật Bản, Lotte- Hàn Quốc, Central Group- Thái Lan…).
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thông qua hệ thống phân phối hiện đại, nông dân được hướng dẫn phương pháp sản xuất tiên tiến, đầu tư bao bì, bảo quản…, có đầu ra sản phẩm ổn định với thu nhập cao hơn. Những hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân của Hà Nội và các địa phương khác nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh. Qua đây, các đơn vị phân phối của Thủ đô có thể lựa chọn, đưa sản phẩm vào hệ thống của mình, từ đó đẩy mạnh hơn nữa tiêu dùng nội địa.

Nguyễn Hường

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương