Hết thời “trốn” trách nhiệm

Theo Dự thảo Nghị định, có 4 nhóm công trình buộc chủ đầu tư (hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm. Cụ thể, công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường; và công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.

Thời hạn bảo hiểm tối thiểu được tính từ lúc khởi công công trình hoặc từ khi hạng mục bảo hiểm đầu tiên có tên trong hợp đồng bảo hiểm được dỡ xuống công trường (tùy theo ngày nào đến trước), đến ngày công trình xây dựng kết thúc, bàn giao hoặc đưa vào sử dụng (tùy theo ngày nào đến trước). Rủi ro được bảo hiểm đối với các công trình là mọi rủi ro, không bao gồm các rủi ro loại trừ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngoài chủ đầu tư, 2 chủ thể khác cũng thuộc diện phải mua bảo hiểm, là nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công. Theo đó, nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp 2 trở lên. Còn nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.

Một điểm được quan tâm đặc biệt tại Dự thảo Nghị định là trách nhiệm mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường của nhà thầu thi công xây dựng. Đây là điều mà trước đó bị nhà đầu tư, nhà thầu bỏ lơ, trong khi rủi ro với người lao động luôn hiện hữu, nhất là với các công trình lớn, với sự tham gia thi công lên tới hàng ngàn người.

Theo Dự thảo Nghị định, nhà thầu thi công xây dựng phải đóng tiền bảo hiểm cho người lao động. Số tiền phải đóng được xác định trên cơ sở tổng quỹ tiền lương mà nhà thầu phải trả cho người lao động, tính chất công việc mà người lao động thực hiện.

Về số tiền bảo hiểm tối thiểu, Dự thảo Nghị định phân ra 2 trường hợp. Nếu bị thương tích, mức bồi thường cụ thể cho từng loại tổn thương cơ thể được xác định căn cứ Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Còn nếu không may bị tử vong, số tiền bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ. Đây là số tiền không lớn, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, đây mà mức là hợp lý tại thời điểm này, cũng như nhằm cân đối với mức phí bảo hiểm mà nhà thầu thi công xây dựng phải đóng.

“Nếu tăng mức tiền bảo hiểm tối thiểu lên hơn 100 triệu đồng/vụ, thì mức phí nhà thầu phải đóng sẽ cao hơn, sẽ làm tăng chi phí cho nhà thầu, nhất là với công trình lớn, có hàng ngàn người lao động, nên trước mắt để mức này là hợp lý”, đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết.

Vẫn thiếu chế tài

Với các quy định chi tiết tại Dự thảo Nghị định, các thành viên thị trường hy vọng, việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với công trình xây dựng và người lao động sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thực chất hơn trong thời gian tới, chứ không chỉ là tự nguyên, hình thức như trước.

Trước đó, Luật Xây dựng 2003 chỉ mang tính khuyến khích, chứ chưa bắt buộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công phải mua bảo hiểm. Sở Xây dựng các địa phương cũng chưa chú trọng đến việc kiểm tra thực hiện việc mua bảo hiểm của các đối tượng trên, thậm chí, có những Sở chưa từng thành lập một đoàn kiểm tra nào để kiểm tra về vấn đề này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Chánh thanh tra 1 Sở Xây dựng cho biết, trước khi có Luật Xây dựng 2014, Sở từng kiểm tra tình hình thực hiện việc mua bảo hiểm trong đầu tư xây dựng tại một số công trình xây dựng như trung tâm y tế, công trình giao thông, xây dựng, trường học và phát hiện ra nhiều trường hợp không mua theo trách nhiệm, nhưng do quy định pháp lý chưa rõ ràng về việc có bắt buộc phải mua hay không và chưa có chế tài xử phạt, nên cũng không biết xử lý thế nào.

Dù Luật Xây dựng 2014 và Dự thảo Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng đang đưa ra lấy ý kiến đã buộc các chủ đầu tư, nhà thầu phải mua bảo hiểm cho công trình, người lao động, nhưng Dự thảo lại không quy định chế tài xử phạt khi các chủ đầu tư, nhà thầu “trốn” trách nhiệm bảo hiểm. Đồng thời, cũng không quy định rõ thẩm quyền xử phạt. Dự thảo mới nhất cũng chỉ quy định trách nhiệm chung chung của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các bộ ngành khác…, về việc quản lý và giám sát các vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, một thành viên trong tổ soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, chế tài cũng đã từng được đặt ra, nhưng quan điểm thông nhất vẫn là muốn tập trung hoàn tất để triển khai thực hiện rồi mới ra chế tài. Vì trên thực tế, trước đây, chế độ bảo hiểm bắt buộc cháy nổ cũng ra đời trước, rồi sau đó mới có chế tài xử phạt tại một nghị định riêng.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, nếu không sớm áp khung chế tài xử phạt, thì việc chủ đầu tư, nhà thầu “trốn” trách nhiệm bảo hiểm vẫn sẽ diễn ra.

Không phải chủ đầu tư nào cũng “trốn”

Hiện nay, dù chưa có quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm, nhưng vẫn có một số chủ đầu tư, nhà thầu lớn thực hiện tốt trách nhiệm mua bảo hiểm công trình và cho người lao động, như Dự án cầu Nhật Tân (mua bảo hiểm PJICO); Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (mua bảo hiểm BIC và GIC); Nhiệt điện Mông Dương, Nhiệt điện Thái Bình…

Việc mua bảo hiểm tại các công trình lớn, ngoài lý do đáp ứng điều kiện của ngân hàng khi vay vốn cho dự án, thì một số chủ đầu tư, nhà thầu cũng cho rằng, bảo hiểm công trình xây dựng sẽ mang lại quyền lợi rất lớn cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công. Bởi vì, khi xảy ra rủi ro sẽ có các đơn vị bảo hiểm bồi thường thiệt hại chịu trách nhiệm.


Ông Nguyễn Hải Nam, Phó giám đốc Ban tài sản kỹ thuật, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO)

Việc "trốn" mua bảo hiểm của các chủ đầu tư, nhà thầu có thể do quy định chưa rõ ràng, cũng như ý thức của các đối tượng phải mua chưa tốt. Hy vọng, sau Dự thảo Nghị định được ban hành và có hiệu lực, việc mua bảo hiểm sẽ được cải thiện đáng kể.

Về Dự thảo Nghị định, theo tôi, dù đã đưa ra danh mục các công trình bắt buộc chủ đầu tư dự án mua bảo hiểm, nhưng cũng cần làm rõ hơn định nghĩa thế nào là công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường? Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp? Hoặc cũng cần có các căn cứ cụ thể hơn để chủ đầu tư hiểu rõ hơn về vấn đề này, cũng như công ty bảo hiểm thuận tiện hơn trong việc tư vấn khách hàng mua bảo hiểm.

Về thanh toán phí bảo hiểm, đối với trường hợp thanh toán phí đối với dự án theo tiến độ cấp phát vốn của ngân sách nhà nước, cũng cần làm rõ là trong vòng bao nhiêu ngày, kể từ ngày có quyết định cấp phát vốn, thì chủ đầu tư thanh toán phí bảo hiểm (hoặc hình thức khác cụ thể hơn)? Nếu không, việc căn cứ thanh toán phí có đúng hạn hay không rất khó xác định và như vậy sẽ khó cho việc xác định hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, đối với trường hợp dự án có sử dụng vốn nhà nước cũng cần phải nêu rõ là sử dụng 100% vốn nhà nước, hay sử dụng bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước trở lên, thì được thanh toán (giống như đấu thầu quy định sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên phải đấu thầu)?


Theo Kim Lan
Đầu tư Bất động sản

Nguồn: Đầu tư Bất động sản