HUD đầu tư dự án vượt xa năng lực tài chính

Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành văn bản số 811/KL-TTCP.V.I kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, HUD mắc nhiều thiếu sót, vi phạm. Thứ nhất là vấn đề thiếu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.

Trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh đặc biệt từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính và quản trị dẫn đến chậm và trì trệ trong việc triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay.


Thứ hai, HUD làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn.

Cụ thể, các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp, mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các cônng ty thành viên, trái Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của HUD.

Mặt khác, thông qua hình thức ủy quyền đầu tư kinh doanh, HUD đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đất Nhà nước đã ưu đãi miễn không thu tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường không thực hiện nghĩ vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không giao tầng 1 các chung cư cho Thành phố Hà Nội theo quy định.
Khu đô thị Việt Hưng của HUD
Thứ ba, HUD thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh.

Đơn vị này đã hạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư m2 đất, m2 nhà phân bố trên cơ sở Tổng mức đầu tư các dự án sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình. Tỏng đó, dự án Việt Hưng trích thiếu chi phí phải trả quá nhiều, dẫn đến hậu quả là thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình hạ tầng còn nợ và khối lượng giải phóng mặt bằng của Dự án chưa thực hiện quá lớn (1.099 tỷ đồng), trong khi sản phẩm Dự án đã cơ bản kinh doanh hết.

Việc xác định giá vốn sai dẫn đến xác định giá bán kinh doanh cho Dự án thấp hơn mưc sphair thực hiện, làm giảm doanh thu và kết kinh doanh của HUD. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của HUD hiện nay.

Thứ tư, một số nội dung về quản lý tài chính tài sản khác của HUD còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
HUD bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh Dự án Văn Quán khi chưa quyết toán không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn vị này quản lý nợ phải thu, phải trả chưa chặt chẽ, theo dõi, đối chiếu, phân loại không đầy đủ, không trích lập và trích lập thiếu các khoản dự phòng để bảo toàn vốn. Sử dụng các nguồn chi phí phải trả trích trước để đầu tư vào các dự án khác gây tồn đọng, làm trầm trọng thêm khó khăn về tài chính của HUDl quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư sai mục đích.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các vấn đề đầu tư ngoài ngành, quản lý ngoài doanh nghiệp của HUD rất yếu kém, dẫn đến một số dự án thâm hụt mất vốn. Trong đó phải kể đến việc đầu tư vào Công ty CP Xi măng Sông Thao 516,55 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2012, lỗ lũy kế là 305 tỉ đồng, bằng 45% vốn đầu tư của chủ sở hữu.

HUD góp vốn vào Công ty CP Thép Sông Hồng 46,2 tỷ đồng từ tháng 5/2005, đến tháng 7/2007 đã quyết định thoái vốn nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn và chưa có giải pháp xử lý.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì HUD bị xác định thiếu trách nhiệm trong quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị. Trong quá trình hoạt động đầu tư từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính và quản trị.
Trụ sở Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)
Điều này dẫn đến việc chậm và trì trệ trong việc triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển... khiến bản thân HUD và các đơn vị thành viên gặp tình trạng khó khăn. HUD phải trả số nợ lớn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.

Tổng các khoản nợ phải trả của HUD là 6.684 tỷ đồng; khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, tồn kho nhiều (chiếm hơn 4.352 tỷ đồng).

Xử lý trách nhiệm với lãnh đạo, nộp ngân sách Nhà nước 263 tỷ đồng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cho rằng HUD hạch toán kinh doanh không chính xác, ghi nhận thiếu chi phí trích trước và chi phí dự phòng (1.298 tỷ đồng) dãn đến phản ánh kết quả kinh doanh sai lệch, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

Cũng trong bản Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội điểm điểm và xử lý trách nhiệm đối những tập thể cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm cụ thể giai đoạn từ tháng 9/2011 về trước.

Cụ thể, hội đồng thành viên HUD với 7 người do ông Nguyễn Hiệp làm chủ tịch, Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Nam phải chịu trách nhiệm đối với những tồn tại, vi phạm trong quyết định đầu tư vượt quá năng lực.

Giai đoạn từ tháng 9/2011 tới tháng 11/2012 Hội đồng HUD gồm 6 thành viên với chủ tịch là ông Nguyễn Đăng Nam, Ban giám đốc do ông Nghiêm Văn Bang làm Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm với việc chưa khắc phục được những khuyết điểm, tồn tại về quản lý tài sản và đầu tư, chưa tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ về chế độ tài chính.

Về vấn đề xử lý kinh tế đối với HUD, Thanh tra Chính phủ yêu cầu đơn vị này nộp ngân sách Nhà nước 262,5 tỉ đồng. Ngoài ra, HUD và các công ty thành viên điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 20 nội dung, tổng số 459,96 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính xử lý khoản HUD bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án chưa quyết toán 278,88 tỉ đồng. Đồng thời gửi kiến nghị UBND TP Hà Nội phối hợp với HUD xử lý 35,79 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng quận Hà Đông trong dự án mở rộng đường Nguyễn Khuyến.