Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo đánh giá của quỹ Dragon Capital, Nghị định 60 là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận của Chính phủ đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp khi mà Chính phủ cũng đã làm tương tự để thu hút vốn đầu tư trực tiếp.
PE thấp hơn khoảng 30% so với khu vực
Hệ số PE 2015 của thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện đang được giao dịch ở mức 12x, thấp hơn khoảng 30% so với các thị trường khác trong khu vực - mặc dù các yếu tố cơ bản cả ngắn và dài hạn vẫn hấp dẫn, bao gồm các cải cách kinh tế vĩ mô gần đây.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) với doanh nghiệp Việt Nam hạn chế được cho là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường Việt Nam bị định giá thấp hơn so với các thị trường khu vực.
Việt Nam có mức vốn hóa thị trường khoảng 60 tỷ USD và giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đạt khoảng 110 triệu USD. Hiện nay có 31 công ty đã hết room cho khối ngoại và gần 10 công ty chuẩn bị hết room.
Các công ty này chiếm khoảng 30% giá trị vốn hóa thị trường. Hầu hết trong số này đều là các công ty tên tuổi hàng đầu trong ngành với các chỉ số tài chính tốt. Việt Nam rõ ràng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế.
Trong lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, khoảng 340 doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hoá trong giai đoạn 2015-2017 và tổng giá trị sổ sách ước tính được bán đấu giá sẽ khoảng 25 tỷ USD, một cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư lựa chọn mua một vài tài sản tốt với giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tạo ra một cơ sở hạ tầng đầu tư tốt hơn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để nguồn vốn ngoại có thể hấp thụ hết nguồn cung này. Nghị định 60 chắc chắn sẽ giúp hỗ trợ cho quá trình cổ phần hoá.
Cũng cần lưu ý rằng, việc “IPO/cổ phần hoá” không tự động có nghĩa là công ty sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điều này lại tạo nên sự khác biệt đáng kể về tính minh bạch, định giá và sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Chính phủ đã ban hành Quyết định 51, trong đó nói rằng doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá sẽ phải niêm yết sau 3-12 tháng.
Theo ý kiến của chúng tôi, nếu Quyết định 51 và Nghị định 60 được thực thi thành công, nó sẽ là một bước đột phá quan trọng cho quá trình cổ phần hoá và phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
Bao giờ sẽ nới room thực sự?
Để triển khai thực hiện Nghị định 60 vẫn cần rất nhiều việc cần phải làm, bao gồm cả việc phân loại hàng trăm ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia khá nhiều các hiệp định thương mại (FTA) hiện tại và tương lai.
Điều đó có nghĩa là việc mở room theo Nghị định 60 có khả năng sẽ xảy ra trong vòng 12 tháng tới - chứ không phải là ngay lập tức sau khi Nghị định được ban hành. Tuy nhiên Nghị định 60 rất quan trọng trong việc đề ra một định hướng dài hơi cho việc mở room.
Vậy, các nhà đầu tư nên làm gì? Theo ý kiến của chúng tôi thị trường hiện tại ở vùng định giá hoàn toàn không đắt đỏ, chưa tính đến những thay đổi tích cực ở Nghị định 60 này.
Chúng tôi đã nhận thấy sự nỗ lực của các nhà làm luật và chính sách trong vòng 4 năm qua để tự do hóa thị trường tài chính và hợp lý hóa nền kinh tế. Việc ban hành Nghị định 60 là một ví dụ khác của quá trình này.
Thị trường Việt Nam hiện đang có một câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn cho những nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các công ty cụ thể có thể được hoặc chưa được hưởng lợi từ quá trình tự do hóa cho khối ngoại này nhưng đa phần sẽ giúp cải thiện nền tảng cơ bản của mỗi công ty.
Tóm lại, Nghị định 60 là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận của Chính phủ đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp khi mà Chính phủ cũng đã làm tương tự để thu hút vốn đầu tư trực tiếp.
Chúng tôi tin rằng Nghị định 60 sẽ cung cấp cho thị trường tài chính Việt Nam một cú hích lớn.
Thực tế, trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi công bố việc ký kết Nghị định này, chỉ số VN-Index tăng 1,7% - trong khi cùng thời điểm đó các thị trường trên toàn thế giới đều đang giảm mạnh do lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
TS. Lê Anh Tuấn
Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital